* Hiện nay, các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20 đến 50 mm, có nơi hơn 50 mm.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục kết hợp xoáy thấp, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50 đến 100 mm/24 giờ, riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng có nơi hơn 150 mm/24 giờ). Đợt mưa này có khả năng kéo dài đến đêm 25-7. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu.
* Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, khu vực Bắc Trung Bộ, hiện các dòng chảy sông, suối phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35 đến 60%, một số sông thiếu hụt hơn 70%. Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 30 đến 60% dung tích thiết kế, ở mức thấp hơn so một số năm gần đây, đã có 55 hồ nhỏ cạn nước. Khu vực Nam Trung Bộ, dòng chảy sông, suối phổ biến thiếu hụt so trung bình nhiều năm cùng kỳ, một số sông thiếu hụt hơn 70%. Mực nước một số sông đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc lịch sử (Thu Bồn, Trà Khúc).
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn các vụ hè thu, mùa năm 2019 tại khu vực Trung Bộ. Tổng cộng sẽ có khoảng 65.500 ha lúa và cây hằng năm khu vực này bị hạn hán, thiếu nước. Khu vực Bắc Trung Bộ có diện tích bị ảnh hưởng cao nhất, khoảng 21.600 ha.
* Khu vực Nam Trung Bộ, hạn hán, thiếu nước bắt đầu ảnh hưởng từ tháng 7, với 15.930 ha lúa, 410 ha rau màu bị tác động. Ngoài ra, xâm nhập mặn đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho khoảng 5.800 ha cây trồng ở Trung Bộ. Hiện, có gần 114 nghìn hộ bị thiếu nước sinh hoạt.
* Theo Tổng cục Thủy lợi, tình hình hạn hán, thiếu nước ở Bắc Trung Bộ còn tiếp tục xảy ra đến đầu tháng 8 và có khoảng 14.900 ha cây trồng bị ảnh hưởng, chiếm 3,2% diện tích gieo trồng; Nam Trung Bộ có 54.400 ha, chiếm 15% diện tích gieo trồng. Trước tình hình đó, Cục Trồng trọt cần đưa ra những bộ giống cây trồng cạn phù hợp, nhất là các loại cây chịu hạn và khuyến khích chuyển đổi sang trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc.
* Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 56 hồ chứa thủy lợi và sáu hồ thủy điện đã đi vào vận hành khai thác, với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3 nước. Tuy nhiên, có 20 hồ có hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính có thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ. Bên cạnh đó, do nắng nóng kéo dài cho nên một số hồ như Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang, Thọ Sơn, Phú Bài… dung tích hữu ích chỉ còn 20 đến 30%.
* Để giúp người dân tái sản xuất số diện tích ngô bị chết do hạn hán (hơn 6.500 ha), ngày 23-7, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tổ chức cấp giống ngô lai cho người dân bị thiệt hại. Hiện, huyện đang tích cực cấp phát và vận chuyển hơn 7.048 kg ngô giống cho người dân ở 16 xã bị thiệt hại mất mùa do hạn hán. UBND huyện hỗ trợ toàn bộ kinh phí vận chuyển vào trung tâm các xã được cấp ngô giống.
* Tại Quảng Bình, nắng nóng kéo dài đã làm gần 4.000 ha lúa và các loại cây trồng vụ hè thu khô hạn. Hàng chục hồ chứa nước ở dưới mực nước chết, nhiều khu vực nông dân bỏ hoang đất, không thực hiện canh tác do không đủ nước tưới. UBND tỉnh đã chủ động bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương 37,816 tỷ đồng để nạo vét kênh mương, bể hút trạm bơm và mua dầu, điện phục vụ chống hạn; đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ kinh phí khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn với số tiền 88,4 tỷ đồng.
* Ngày 22-7, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cấp phát hơn 20 nghìn lít hóa chất sát trùng, 100 tấn vôi bột, 57 bình bơm động cơ, 8.200 bộ quần áo bảo hộ dùng một lần, 2.350 bộ quần áo blu, 4.950 đôi ủng cùng một số vật tư cho các địa phương, đơn vị phòng, chống dịch bệnh; trong đó cấp phát hơn 4.300 lít hóa chất Hantox diệt côn trùng nhằm trợ giúp nông hộ, chủ các gia trại, trang trại phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hiệu quả hơn.
* Tại tỉnh Nghệ An, xu hướng DTLCP có giảm nhưng diễn biến vẫn nguy hiểm. Tính đến ngày 22-7, dịch đã xảy ra ở 155 xã, 18 huyện của tỉnh, số lợn đã phải tiêu hủy là 8.500 con, tương đương 0,9% tổng đàn lợn. Đến thời điểm này, 65 xã đã công bố hết dịch, nhưng trong đó năm xã tái dịch, nên hiện vẫn còn 95 xã của 12 huyện còn dịch.
* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện khoảng 50 ổ dịch tại 20 xã của sáu huyện, thị xã, thành phố, với 1.173 con lợn buộc phải tiêu hủy. Hiện chỉ còn hai huyện Đất Đỏ và Côn Đảo là chưa có dịch.
* Tỉnh Đồng Tháp có hơn 3.000 hộ chăn nuôi ở 116 xã của tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố có lợn bị nhiễm DTLCP. Số lượng lợn bị bệnh là hơn 55 nghìn con, chiếm khoảng 21% tổng đàn của tỉnh. UBND tỉnh đã chi hỗ trợ phòng, chống DTLCP với số tiền hơn 40 tỷ đồng trích từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2019.
* Chiều 23-7, mưa lớn, mưa đá kèm giông lốc xuất hiện tại các huyện Phú Tân, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu (An Giang) đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Giông lốc làm 525 căn nhà ở thị xã Tân Châu, chín căn nhà ở huyện Tịnh Biên, 24 căn nhà ở huyện Phú Tân bị sập và tốc mái. Lúc này một người đàn ông đang đi chăn vịt ngoài đồng ở ấp Đông Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên đã không kịp trú nên bị sét đánh chết.
Theo nhandan.com.vn