Thiên tai những tháng cuối năm diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 02 hoặc 03 cơn. Đề phòng xảy ra bão, ATNĐ và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022. Có khả năng tháng 01/2023 vẫn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.
Tổng lượng mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ nay đến hết năm 2022 có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, khu vực các tỉnh từ Trung Trung Bộ trở vào phía Nam đều có xu hướng cao hơn TBNN, đặc biệt tại khu vực Trung Trung Bộ.
Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN, trong đó thiếu hụt nhiều ở khu vực hồ Sơn La và Hòa Bình, lưu vực sông Thao và hạ lưu sông Hồng từ 20-40%. Đề phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ có khả năng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc vào mùa khô 2023.
Từ nay đến tháng 12/2022, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Mực nước đỉnh lũ năm 2022, các sông ở Hà Tĩnh ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Khu vực ven biển các tỉnh khu vực Trung Bộ cần lưu ý đề phòng nước dâng do bão trong khoảng từ cuối tháng 10-12/2022 với xác xuất khoảng 70%. Trong tháng 11-12/2022, khu vực ven biển từ Phú Yên trở vào phía Nam và ven biển miền Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện nước dâng do gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh; tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 04 đợt triều cường: đợt 1 từ ngày 06-12/11, đợt 2 từ ngày 23-29/11, đợt 3 từ ngày 07-11/12, đợt 4 từ ngày 21-29/12.
Đảm bảo hoạt động của mạng lưới quan trắc và các phương án dự phòng
Tổng cục đã yêu cầu các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Đài Khí tượng cao không thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ máy, thiết bị, phương tiện đo đảm bảo về số lượng, chất lượng kể cả các thiết bị dự phòng.
Các trạm khí tượng thủy văn kiểm tra công trình, vườn khí tượng, máy đang hoạt động, máy dự phòng, thông tin, nhiên liệu (gia cố chằng chống công trình khi cần thiết, có phương án quan trắc, truyền tin khi có thời tiết nguy hiểm xảy ra được phê duyệt.
Trong điều kiện thời tiết bình thường khi các trạm khi quan trắc được lượng mưa 1 giờ từ 30 mm trở lên và khi có lũ cao hơn 50 cm/giờ phải điện thoại trực tiếp cung cấp số liệu cho Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, gửi email cho Phòng dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, điện thoại hoặc nhắn tin cho lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh về số liệu quan trắc.
Trường hợp có thiên tai xảy ra tại các khu vực không có số liệu quan trắc, Tổng cục sẽ yêu cầu Liên đoàn Khảo sát KTTV quan trắc bổ sung và truyền số liệu quan trắc theo thời gian thực về Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai để có số liệu phục vụ công tác dự báo.
Thực hiện nghiêm túc các quy định phân cấp bản tin
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã rà soát trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai của các đơn vị theo Quyết định số 221/QĐ-TCKTTV ngày 30/6/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, Quyết định đã phân công trách nhiệm của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo, cảnh báo từng loại thiên tai theo phạm vi của từng đơn vị phụ trách đảm bảo tuân thủ điều kiện ban hành. Nội dung bản tin, tần suất bản hành bản tin của các loại bản tin được quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Ứng dụng khoa học công nghệ dự báo, cảnh báo thiên tai
Tổng cục đã yêu cầu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài Khí tượng cao không, các Đài KTTV khu vực rà soát hiện trạng các nguồn thông tin, số liệu sử dụng để phục vụ công tác dự báo và các công cụ để thực hiện dự báo khí tượng thủy văn.
Các đơn vị làm công tác dự báo đang sử dụng các phương pháp: synop; thống kê; tương tự; trung bình trượt; tham khảo các loại sản phẩm dự báo của các trung tâm dự báo quốc tế, mô hình số trị đang chạy tại Trung tâm Dự báo KTTV văn quốc gia, Đài KTTV khu vực.
Khai thác sử dụng ảnh mây vệ tinh, sản phẩm radar thời tiết và các phần mềm hỗ trợ dự báo như công cụ SmartMet. Các sản phẩm mô hình mô hình tổ hợp 32 thành phần, mô hình WRF có đồng hóa dữ liệu địa phương… Các mô hình toàn cầu của các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… (GEM, GFS, JMA (GSM), GME, NOGAPS…) được kết hợp sử dụng tham khảo trong công tác dự báo.
Đối với công cụ dự báo thủy văn: sử dụng các phương án dự báo thủy văn bằng các phương pháp thống kê, xây dựng tương quan như: mưa rào – dòng chảy, mực nước (lưu lượng) tương ứng, xu thế, nhận dạng tương tự,...; các mô hình thuỷ văn như mô hình thủy văn: MIKE NAM, HEC-HMS; mô hình thủy lực như HECRAS, bộ mô hình MIKE 11, MIKE 21, MIKE FLOOD.
Đối với phương án cảnh báo lũ quét sạt lở đất: sử dụng công cụ SEAFFGS và bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, kết hợp sử dụng dữ liệu quan trắc từ rada, mây vệ tinh, số liệu mưa tự động để kịp thời ra bản tin cảnh báo.
Phương án, công cụ dự báo hải văn: sử dụng phương pháp phân tích thống kê; phương pháp mô hình số trị, như: dự báo, cảnh báo sóng biển bằng mô hình SWAN, kết quả dự báo sóng vùng biển khu vực với hạn dự báo 10 ngày, sản phẩm dự báo ở 3 dạng: hình ảnh, text, đồ thị; dự báo, cảnh báo nước dâng và triều cường bằng mô hình ROMS 2D, ROMS 3D, hiện nay đang thực hiện với thời hạn dự báo 10 ngày, khi thời tiết nguy hiểm thì việc chạy mô hình chọn thời hạn 3 ngày để cập nhật mới nhất và cho kết quả tối ưu.
Tạp chí KTTV