Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp ứng phó bão số 10 (Goni).
Sáng 2-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Goni (bão số 10).
Sơ tán người dân khỏi khu vực dễ gây sạt lở đất
Chỉ đạo kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là cơn bão phức tạp, khi vào đất liền gây mưa lớn có nơi lên đến 400mm ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Phó Thủ tướng đề nghị không được chủ quan, theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để kịp thời thay đổi các phương án ứng phó cho phù hợp.
“Không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn. Nhiệm vụ này giao cho Bộ đội biên phòng, Tổng cục thủy sản, Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng nêu lại bài học từ ba tàu gặp nạn ở Bình Định, lúc đó sóng biển chưa lớn, khoảng cấp 8-9 nhưng bão đi nhanh quá nên không kịp di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, gây ra thiệt hại lớn khiến hai tàu chìm, 23 người mất tích.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho những tàu đang tìm kiếm cứu nạn ở khu vực tàu chìm. Việc đưa các tàu tìm kiếm cứu nạn về bờ tránh bão là do lực lượng kiểm ngư, lực lượng tìm kiếm cứu nạn chủ động.
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ tiếp theo là theo dõi chặt chẽ cơn bão khi vào bờ để chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, sơ tán người dân khỏi khu vực dễ gây sạt lở đất.
Theo Phó Thủ tướng, các cơn bão gần đây gây thiệt hại về người rất ít nhưng hoàn lưu bão gây mưa lại gây thiệt hại lớn về người.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm hoàn thành bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt. Đây là vấn đề rất khó trong dự báo, cảnh báo, ứng phó, nhiều nơi người dân sinh sống ổn định vài chục năm, địa chất được đánh giá ổn định nhưng thời gian qua lại xảy ra sạt lở đất. Sự việc trên, nhiều nước có điều kiện địa chất, địa hình tương tự Việt Nam cũng gặp phải nhiều sự cố, khó dự báo dù áp dụng khoa học, công nghệ, các công cụ cảnh báo.
Phó Thủ tướng đưa ra thí dụ là Nhật Bản, từ 2009-2020 có gần 1.500 vụ sạt lở đất, tăng 500 vụ so với giai đoạn trước, dù hệ thống cảnh báo sạt lở hiện đại hơn Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị, các tỉnh, thành phố bên cạnh việc chủ động ứng phó với bão số 10, cần tiếp tục khắc phục hậu quả đợt mưa lũ và bão số 9 vừa qua (nhà ở, bệnh viện, trường học, đường giao thông...). Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn hồ thủy điện, thủy lợi, đê điều (đặc biệt là những hồ xung yếu), cần có sự rà soát các hồ đập, tuyến đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn để tu bổ, sửa chữa. Thực hiện tốt công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo quy định.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" trong ứng phó với thiên tai. Phó Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng chủ lực như Công an, Bộ đội, Quân khu 4, Quân khu 5 đã giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, động viên thăm hỏi những gia đình có người mất trong đợt thiên tai vừa qua. Đồng thời, đề nghị lực lượng này phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong ứng phó bão số 10.
Bão Goni là cơn bão khó dự báo
Thông tin diễn biến bão số 10, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong vòng 30 giờ qua từ lúc bão Goni mạnh nhất đến nay đã giảm 9 cấp và được đánh giá là cơn bão yếu trên Biển Đông.
Ông Khiêm phân tích, bão Goni là cơn bão khó dự báo hơn so với các cơn bão vừa qua bởi bão chịu nhiều tác động của các hình thái khác. Trong đó, yếu tố “động lực và nhiệt lực” tác động đến xu thế cường độ cũng như quỹ đạo của bão số 10.
Cao cận nhiệt đợi lấn sâu vào, không khí lạnh tiếp tục tăng cường trong 48-72 giờ tới. Nhiệt lực giúp làm giảm cường bộ bão số 10. Dự báo, trong 2-3 ngày tới cường độ cơn bão ở cấp 8, cấp 9; vào đất liền khả năng ở cấp 7, cấp 8 và ít có khả năng tăng lên, ông Khiêm nhận định.
Do hoàn lưu bão số 10 kết hợp không khí lạnh tăng cường sẽ gây đợt mưa lớn diện rộng. Nhận định xa cho thấy, từ Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa trung bình từ 100-200mm từ chiều tối ngày 4 đến 6-11. Sau đó, mưa dịch chuyển ra Nghệ An – Quảng Trị với lượng mưa 150-300mm từ ngày 5 đến 7-11”, ông Khiêm nói và lưu ý lũ trên hệ thống các sông Quảng Nam – Quảng Ngãi có thể lên báo động 3.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão Goni là siêu bão ở sườn Đông Philippines nhưng do bão ở tầm thấp, đổ bộ vào hai lớp đảo, đảo nhỏ rồi đến đảo lớn ở Philippines, chịu ma sát nhiều nên đã giảm đi 6-7 cấp khi vào biển Đông. Tuy nhiên, chính vì bão nhỏ đi nên lại chịu tác động, lệ thuộc các hình thái khác nên khó dự báo, đoán định. Do vậy, phải liên tục dự báo, cảnh báo sát diễn biến cơn bão, đặc biệt là tình hình mưa.
Có hai điều thành nguyên tắc trong ứng phó, đó là cảnh báo tàu thuyền trong vùng biển đường đi của bão là rất nguy hiểm. Việc bão Goni hạ từ cấp 17 xuống cấp 12 rất dễ gây chủ quan, nhất là ở hướng biển và các tỉnh Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa chưa được thử thách do bão.
Nguyên tắc thứ hai là hoàn lưu mưa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố từ Nghệ An trở vào vốn đã vô cùng tổn thương do mưa lũ thời gian qua, giờ gặp mưa sẽ như "giọt nước tràn ly", sẽ gây lũ ống, lũ quét, sạt lở.
Chính vì thế, cần liên tục dự báo, cảnh báo tổng lượng mưa theo các tỉnh, vùng lưu vực càng sát càng tốt.
“Nếu đồng sức, đồng lòng, chuẩn bị thật tốt, ý thức tầm quan trọng triển khai đồng bộ “bốn tại chỗ” từ trung ương đến địa phương sẽ hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo nhandan.com.vn