Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai họp ứng phó bão số 8 chiều 23/10 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Chiều nay (23/10), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 8. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 13h ngày (23/10), vị trí tâm bão ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía đông-đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 13h ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100 km về phía nam-đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14.
"Bão đang ở giai đoạn mạnh nhất và duy trì ở cấp 12 trong 12-18 giờ tới, sau đó suy yếu. Khi bão vào Vịnh Bắc Bộ chỉ còn ở cường độ cấp 8-9, tiến gần ven biển của các tỉnh bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4 m", ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của bão, từ đêm 24/10 đến sáng 26/10 ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến khu vực này từ 50-150 mm/đợt.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia kết luận, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, thời gian ảnh hưởng trực tiếp vào ngày 25/10.
Khi bão vào đến kinh tuyến 111E, bão có xu hướng suy yếu, khi vào gần bờ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão số 8 sẽ gây mưa ở các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, lượng mưa từ 24-25/10 từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo; Công điện số 29/CĐ-TWPCTT và 30/CĐ-TWPCTT của Ban chỉ đạo; thông báo số 368/TB-VPCP ngày 21/10/2020.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Mặc dù dự báo, cảnh báo đều đánh giá bão số 8 sẽ giảm cường độ khi vào đất liền và ít gây hoàn lưu mưa, nhưng đề nghị các địa phương và nhân dân không chủ quan”.
Bộ trưởng lưu ý triển khai thực hiện các nội dung, trong đó nhấn mạnh triển khai các hoạt động bảo đảm hoạt động trên biển phải an toàn; rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tại các khu tránh trú bão; rà soát không để người trên các phương tiện khi bão đổ bộ; quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi; rà soát, kiểm đếm tàu thuyền.
Chỉ đạo và thực hiện bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch (du lịch đảo, ven biển), sản xuất nuôi trồng thủy hải sản; nhất là an toàn về người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, có biện pháp để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ với các tàu đang bị sự cố (hạn chế thiệt hại do sự cố môi trường có thể xảy ra).
Rà soát chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo an toàn người dân và tài sản đối với khu vực ven biển, vùng trũng thấp và nhà yếu.
Kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công; khu vực sạt lở; quản lý an toàn giao thông nhất là khi bão vào, tránh thiệt hại về người và tài sản.
Cùng với đó cần, triển khai song song 2 nhiệm vụ phục hồi, tái thiết sau mưa lũ, ngập lụt miền trung và ứng phó với con bão số 8, theo đó các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện và hỗ trợ các địa phương.
Cụ thể, tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất, đời sống, môi trường sau mưa lũ ngập lụt nghiêm trọng vừa xảy ra; các địa phương kiểm tra có phương án để đảm bảo an toàn cho các hộ dân tại vùng còn đang ở khu vực ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đặc biệt tại các huyện còn ngập của tỉnh Quảng Bình khi có bão vào.
Điều hành, vận hành hồ chứa đúng quy trình, đảm bảo an toàn. Đề nghị Tập đoàn điện lực EVN, các chủ hồ và các địa phương hết sức cảnh giác, nhất là Hồ Kẻ Gỗ và Hồ Tả Trạch.
Tăng cường tần suất dự báo, cảnh báo, xử lý các bản tin dự báo bão nhanh chóng, chính xác hơn, dễ nghe, dễ hiểu. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, diễn biến và các hoạt động ứng phó bão.
Theo baochinhphu.vn