Để chủ động ứng phó với thiên tai, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức huấn luyện nghiêm túc, sát thực tế địa bàn, bảo đảm sẵn sàng xử lý tốt mọi tình huống.
Theo dõi đợt huấn luyện của Tiểu đội Dân quân biển xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, chúng tôi nhận thấy, ngoài những nội dung, chương trình huấn luyện theo quy định chung, đơn vị còn huấn luyện cách sử dụng dây cáp, các thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn để chằng néo nhà, hoặc cách đặt bao cát để hạn chế tốc mái khi xảy ra dông, lốc. Cách sơ cứu, cố định, băng bó vết thương, vận chuyển người bị thương cũng là nội dung được huấn luyện kỹ cho từng đồng chí trong tiểu đội.
Công trình cống ngăn mặn trữ ngọt ở Giồng Trôm (Bến Tre) vận hành giúp người dân ứng phó với hạn, mặn.
Không chỉ ở huyện Tân Phú Đông, lực lượng dân quân ở các địa phương khác trong tỉnh Tiền Giang đều được chú trọng huấn luyện khả năng cơ động; kỹ thuật, kỹ năng bơi cứu đuối, sơ cứu người đuối nước, di chuyển người, vật nuôi, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; làm bè mảng bằng vật liệu tại chỗ... theo phương châm “thuần thục kỹ năng, sát từng tình huống”. Qua huấn luyện đã nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ để chủ động, thành thục xử trí khi có tình huống xảy ra.
Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang cho biết: Những năm qua, với quan điểm “phòng là chính, tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả các tình huống thiên tai”, Bộ CHQS tỉnh vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” vào huấn luyện nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương tổ chức huấn luyện cho lực lượng dân quân nghiêm túc, chất lượng, đúng, đủ nội dung, chương trình, đồng thời chú trọng huấn luyện các nội dung bổ sung sát với tình hình thực tế địa bàn để lực lượng dân quân phát huy tốt vai trò, hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh việc tổ chức huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh bảo đảm đầy đủ dụng cụ, trang bị cần thiết cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, hầu hết các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh đều được biên chế đầy đủ dụng cụ, trang bị phổ thông dùng trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm dự trữ về lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc... theo quy định.
Được biết, trong những năm qua, nhờ chủ động huấn luyện và tổ chức tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nên mỗi khi trên địa bàn xảy ra thiên tai, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang và lực lượng dân quân tự vệ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tham gia ứng phó hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, bộ đội và dân quân tự vệ tỉnh Tiền Giang đã tham gia ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả 92 vụ thiên tai, sự cố.
HỮU TÀI