Không thể chủ quan, cảm tính
An Giang là tỉnh nằm sâu trong đất liền, nhưng lại là tỉnh đầu nguồn dòng Mekong chảy vào địa phận Việt Nam. Vì vậy, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai (bão, mưa lũ, giông, lốc, ngập lụt, vỡ đê, sạt lở, sụt lún đất bờ sông, bờ kênh…).
Để giảm thiểu tối đa tác hại của thiên tai, công tác phòng, chống thiên tai được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự được kiện toàn ở các cấp. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng và công trình phòng, chống thiên tai được đầu tư ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, vẫn còn tâm lý chủ quan ở một số ít cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân đối với nhiệm vụ này. Nội dung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của một số địa phương chưa thật sự sát với tình hình thực tế (nhất là đối với cấp xã); chưa lồng ghép nội dung này vào kế hoạch phát triển KTXH địa phương. Hầu hết nhận thức cộng đồng về thiên tai đều có đặc điểm chung là mang tính phán đoán, cảm nhận, hiểu biết một cách sơ khai, chung chung thông qua phương tiện thông tin đại chúng; phòng tránh chủ yếu mang tính bộc phát, tức thời.
Diễn tập phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại huyện Châu Thành
Họ hoàn toàn chưa thể hiểu biết sâu sắc về bản chất hiện tượng, chưa thể nhận biết được những thiên tai đang tiềm ẩn tại nơi, vùng mà mình đang sinh sống; mức độ nguy hiểm của mỗi loại hình thiên tai; phương thức phòng, tránh khoa học, tiết kiệm, dễ làm và hiệu quả. Đồng thời, chưa nhận thức được vị trí, vai trò, sự đóng góp của mỗi cá nhân, cộng đồng trong nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan đang diễn ra như hiện nay.
Vì thế, từ năm 2016 đến 2020, thiệt hại về tài sản và sản xuất của người dân do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh hơn 1.200 tỷ đồng; 14 người thương vong do lũ và sét đánh; xảy ra 273 vụ mưa, giông lốc, làm sập và tốc mái 3.885 căn nhà, 118.271ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị đổ ngã; xảy ra 251 điểm sạt lở, với chiều dài 20.890m, ảnh hưởng 723 hộ phải di dời khẩn cấp; làm 1.643 căn nhà bị sập và ngập do lũ; 3.146ha lúa, hoa màu bị ngập. Những số liệu này minh chứng rõ nét thiên tai gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, cũng như sự phát triển KTXH địa phương.
Vẫn câu chuyện “4 tại chỗ”
Theo Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh An Giang, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng, liên ngành; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Phòng, chống thiên tai được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, lấy phòng ngừa là chính; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới.
Một trong các hoạt động thiết thực là diễn tập ứng phó thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn dân cư. Việc tập trung tổ chức diễn tập góp phần nâng cao trình độ lãnh, chỉ đạo, tổ chức chỉ huy, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự các cấp. Qua đó, làm bật lên vai trò phối hợp tham mưu của lực lượng vũ trang và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng cho nhân dân trước những diễn biến phức tạp của thiên tai; chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra... Diễn tập còn nhằm kiểm tra, đánh giá khả năng huy động sức mạnh tổng hợp của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kịp thời rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cấp, ngành.
Năm 2022, huyện Châu Thành được chọn tổ chức diễn tập nội dung này. Tham dự diễn tập (diễn ra ngày 21/10), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị: “Phải xem diễn tập là tình huống thiên tai có thật, để có thái độ đúng đắn, tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao; báo cáo, tham mưu, đề xuất chặt chẽ, sát với nhiệm vụ của ngành và phối hợp làm tốt mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm sẵn sàng ứng phó hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra trên địa bàn. Sau đó, Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh tổng kết, kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương điều chỉnh, bổ sung văn kiện để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai trong thời gian tới”.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn (đặc biệt, không để xảy ra thiệt hại về người do lũ và sạt lở đất bờ sông gây ra). Đảm bảo 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; phấn đấu 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng; 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai nguy hiểm có nơi ở đảm bảo an toàn… Để hoàn thành những mục tiêu trên, công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn cần được quan tâm xứng tầm, bằng tất cả sự nỗ lực của toàn xã hội.
GIA KHÁNH
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-de-chong-thien-tai-a346570.html