Tập trung cứu trợ người dân vùng lũ và ứng phó với bão số 8

Đăng ngày: 21-10-2020 | Lượt xem: 1200
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ số 1 hiện nay là cần tập trung cứu trợ người dân vùng lũ, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

Sáng 21/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.

 Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: BT)

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ số 1 hiện nay là cần tập trung cứu trợ người dân vùng lũ, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

Qua khảo sát tình hình, Phó Thủ tướng cho biết, còn rất nhiều nơi, cứu trợ chưa đi vào, đặc biệt là những nơi khó vào, người dân đang gặp khó khăn; có chỗ đã hỗ trợ nhiều, nhưng có chỗ chưa có.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn,... cần xem người dân còn thiếu gì để hỗ trợ. Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị hỗ trợ ngay cho mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích để chuyển đến cho bà con vùng ngập lụt.

“Làm thế nào để đến tận tay người dân. Yêu cầu các địa phương các tỉnh giao nhiệm vụ cho các huyện, xã, bởi họ mới nắm hết được số hộ dân, người dân trong vùng. Hàng cứu trợ phải tập trung, do chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp nhận. Từ đó phân phối. Nếu không, đi cứu trợ sẽ rất hình thức” – Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Để tiến hành cứu trợ, Phó Thủ tướng đề nghị cần huy động lực lượng và phương tiện để cùng hỗ trợ. Trong đó, cần đưa trực thăng vào để triển khai cứu trợ, kiểm tra những khu vực còn khó khăn.

Đối với bão số 8, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực ảnh hưởng vẫn tiếp tục là miền Trung trong khi vừa qua khu vực này đã ngập lũ lớn. Đất ngâm nước lâu ngày, sạt lở đất sẽ rất dễ xảy ra.

Phó Thủ tướng đề nghị cần đảm bảo an toàn cho khu vực trên biển. Các đơn vị liên quan, bộ đội biên phòng, lượng lượng giao thông… phải có trách nhiệm hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và nơi tránh trú cũng phải an toàn.

Đồng thời, đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển, đặc biệt là những người nuôi trồng thủy sản trên biển, các hoạt động khác như du lịch,…

Trên đất liền, tất cả các địa phương phải xây dựng phương án ứng phó với cơn bão số 8. Trước hết là phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho người dân khi bão vào bờ, sơ tán người dân khỏi khu vục nguy hiểm, nơi nước sâu, nơi nước chảy xiết, nơi những công trình không an toàn. Sơ tán dân ở khu vực dễ xảy ra sạt lở đất, xảy ra lũ ống, lũ quét.

“Đặc biệt là khu vực miền núi, trung du. Các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai, chuẩn bị sẵn sàng các phương án để ứng phó với mưa lũ, bão với phương châm 4 tại chỗ” – Phó Thủ tướng đề nghị.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn khi có mưa bão. Bảo vệ sản xuất, bảo vệ cơ sở công nghiệp, dịch vụ du lịch, mùa màng. Các Bộ có liên quan như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo,… theo chức năng nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão số 8, đặc biệt, không để dịch bệnh xảy ra khi mưa lũ rút, cung cấp thuốc men cho bà con, không để bà con thiếu thốn.

Tại Hội nghị, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay, cơn bão số 8 đã đi vào Biển Đông. Lúc 8h sáng nay, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông, cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.

Theo dự báo, bão đạt cường độ mạnh nhất ở cấp 11-12 khi di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cường độ của bão khi vào đất liền dự báo khoảng cấp 8-9.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý, dự báo khoảng 2-3 ngày tới, bão mới ảnh hưởng đến nước ta, tuy nhiên cần lưu ý tới gió mạnh trên biển, trong ngày và đêm nay, khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 8.

Ông Khiêm cũng cho biết, khi vào đến quần đảo Hoàng sa, bão sẽ tăng cường độ, mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Sau đó, bão sẽ hướng về khu vực đất liền, dự báo trọng tâm hướng đến khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.

Về tình hình mưa, với cơn bão này gây mưa từ 200-300mm ở vùng trọng tâm. Với hoàn lưu mưa sau bão, nhận định không lớn như những ngày qua.

Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, để ứng phó với bão số 8, hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung  ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Nam. Các địa phương đã có các triển khai cụ thể để đối phó với bão số 8, cùng với lực lượng biên phòng đã kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho trên 52 nghìn tàu thuyền nắm bắt được thông tin để trú tránh bão, trong đó, trong đó có trên 10 nghìn tàu đang hoạt động trên biển.

Với diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hiện nay đã được cảnh báo với 63 nghìn ha nuôi trồng, trên 10 nghìn lồng bè. Ông Hoài cho biết, các lực lượng liên quan đang triển khai tích cực để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trên biển và an toàn cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt khu vực lồng bè, đồng thời tổ chức sơ tán dân khu vực ven biển.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngay từ thời điểm này, cần thông báo cho tất cả các phương tiện tàu thuyền để đảm bảo an toàn. Trong đó, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp với Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan, địa phương tích cực kêu gọi tàu thuyền đến nơi an toàn. Bộ trưởng lưu ý, cần rút kinh nghiệm trong những đợt vừa qua, đặc biệt là các tàu vãng lai có nhiều nguy cơ rủi ro, cần hết sức chú ý, vì vậy, cần thông báo đến từng phương tiện, chủ tàu, thuyền.

Đồng thời, về vấn đề hồ đập, cần chú ý đến hồ Kẻ Gỗ và Tả Trạch, cần đặt trong quy trình vận hành. Tổng cục Thủy lợi phối hợp với địa phương cần bám sát chặt chẽ ở hai hồ này./.

Theo dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: