Mục tiêu của kế hoạch nhằm theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, thủy văn, hải văn; cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, các đợt rét đậm, rét hại, sương muối, sương mù, nắng nóng, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn, gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng trên phạm vi cả nước; cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm cho các cơ quan theo quy định tại Phụ lục IV Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; Chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai tại các đơn vị thuộc Tổng cục, đặc biệt tại các trạm khí tượng thủy văn vùng núi và hải đảo, các trạm khí tượng thủy văn nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ… đảm bảo an toàn về người, phương tiện, thiết bị, máy móc và công trình nhà cửa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và kịp thời khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai tránh lơ là, chủ quan; Mọi hoạt động phòng, chống thiên tai phải bảo đảm toàn diện, tuyệt đối các yêu cầu về mục tiêu, nội dung công việc theo Khẩu hiệu hành động của Ngành Khí tượng thủy văn: “Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời”.
Theo đó nhiệm vụ chung của Tổng cục cần: Theo dõi chặt chẽ, cảnh báo, dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn trên biển; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ở Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng, chống.
Triển khai thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công trình khí tượng thủy văn theo quy định; thay thế các thiết bị, linh kiện duy tu, bảo dưỡng thiết bị đo cho trạm khí tượng thủy văn tự động; xây dựng và hoàn thiện phương án quan trắc cho các trạm khí tượng thủy văn, ra đa thời tiết, nhất là khi xảy ra tình huống có thiên tai, trong đó chú trọng việc truyền tin để ứng phó hiệu quả các tình huống nguy cấp.
Nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết; tiếp tục nghiên cứu các phương pháp dự báo, cảnh báo, ưu tiên các phương pháp mang tính ứng dụng trong nghiệp vụ, đồng thời chú trọng cải tiến nội dung và hình thức các bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư cần thiết cho công tác phòng, chống thiên tai; cử cán bộ thường trực khi có thiên tai xảy ra và làm tốt công tác phối hợp với địa phương khi có yêu cầu.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai thực hiện các kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai (Quyết định số 2693/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2018); Kế hoạch thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn (Quyết định số 1258/QĐ-BTNMT ngày 05/6/2020); Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (Quyết định số 1707/QĐ-BTNMT ngày 05/8/2020); Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2501/QĐ-BTNMT ngày 20/12/2021); Kế hoạch phòng, chống thiên tai của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 (Quyết định sô 2483/QĐ-BTNMT ngày 26/9/2022); Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 1083/QĐ-BTNMT ngày 23/5/2022).
Tăng cường hợp tác song phương và đa phương để trao đổi thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, nhất là các số liệu khí tượng thủy văn xuyên biên giới; trao đổi, chia sẻ thông tin và công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để khai thác hạ tầng sẵn có, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm đưa thông tin tới người dân, nâng cao năng lực cộng đồng để nắm bắt tình hình, diễn biến thiên tai và chủ động ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tạp chí KTTV