Theo đó, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ nối với vùng áp thấp trên biển Đông, sau kết hợp với trường gió Đông nên tại địa phương này đã có mưa, mưa vừa có nơi mưa to.
Cụ thể, từ đêm 6-10/10 trên địa bàn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa cả đợt tính từ ngày 06/10 đến hết ngày 10/10 phổ biến từ 350 - 550mm, có nơi trên 700mm. Từ ngày 11/10 tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên - Huế còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến cáo người nuôi cá lồng cần khẩn trương di chuyển các lồng, bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn; thu hoạch sớm diện tích thủy sản để giảm mật độ tránh rủi ro thiệt hại do mưa lũ.
Chỉ đạo gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho khu nuôi thủy sản; tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng, bè nuôi thuỷ sản khi mưa lũ.
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền Ngô Văn Dinh cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND huyện thông báo đến các địa phương có người nuôi cá lồng như xã Quảng Thọ, xã Quảng Phú… sớm có phương án đề phòng.
Cũng theo ông Dinh, nếu phải xả lũ thì người dân sẽ kéo các lồng cá vào gần bờ, gia cố nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Trường hợp nếu có xả lũ thì cần đề phòng hơn cả là cá diêu hồng vì chúng được nuôi trong lồng lưới nên khi nước về nhiều sẽ khiến cá bị ép vào dày đặc và dễ bị chết.
Theo kinhtenongthon.vn