Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Thùy Trang
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng ngày 18-8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4, hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc, 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 19-8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc, 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong những ngày vừa qua tại khu vực Đông Bắc (trọng tâm ở Quảng Ninh, Hải Phòng) đã xảy ra mưa lớn, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên khu vực này tiếp tục có mưa và xảy ra cao điểm vào các ngày 20 và 21-8.
Đồng thời, ông Lâm cũng đưa ra nhận định về diễn biến cơn bão số 4 trong ngày 20-8 có thể đi vào đất liền khu vực Nam Trung Quốc và đi vào khu vực biên giới Việt Nam gây mưa lớn cho khu vực miền núi phía Bắc nước ta, cao điểm mưa xảy ra tại khu vực Việt Bắc và Tây Bắc ngày 21 và 22-8. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở khu vực miền núi và ngập úng ở khu vực đô thị.
Theo thông tin từ Phòng Cứu hộ - Cứu nạn BĐBP, các đơn vị BĐBP tuyến biển đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và ngành thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế thông tin đến các phương tiện hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 4 để di chuyển phòng tránh hoặc về bờ để đảm bảo an toàn, đồng thời, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các phương tiện.
Các đơn vị tuyến núi theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình mưa lũ phối hợp với địa phương triển khai phương án ứng phó mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; tham mưu cho địa phương tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, điều tiết giao thông tại các khu vực nguy hiểm và nguy cơ xảy ra sự cố; tổ chức duy trì các kíp trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia giúp dân chủ động ứng phó với bão và xử lý các tình huống khi có yêu cầu.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đến 6 giờ ngày 18-8, có 429 tàu cá hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão trong 24-72 giờ tới.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến ngày 23-8, trên khu vực miền núi phía Bắc trọng tâm là khu vực Đông Bắc và Tây Bắc sẽ gặp tổ hợp bất lợi về thiên tai.
Trong bối cảnh lượng mưa lớn xảy ra trong những ngày qua ở khu vực phía Bắc, bão chưa đổ bộ nhưng đến nay đã làm 3 người chết và mất tích, thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp.
Bão số 4 đổ bộ sẽ gây mưa to ở khu vực miền núi phía Bắc; bên cạnh đó, động đất xảy ra tại khu vực này. Đối với công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, trọng tâm là việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Sơn La, cần tính toán kỹ và xét cả yếu tố lũ thượng nguồn, vừa đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du vừa phục vụ mục đích phát điện, sản xuất.
Đối với diễn biến của cơn bão số 4, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra nhận định,tuy gió không lớn nhưng khả năng đổ bộ vào một số tỉnh của nước ta gây mưa lớn.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương, Bộ ngành cần tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiệm Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17-8-2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Với một số nội dung quan trọng sau:
Đại diện Bộ Tư lệnh BĐBP phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thùy Trang
Đối với khu vực miền núi cần quan tâm về vấn đề lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trong thời gian qua lượng mưa nhiều nên đất đã ngấm đủ nước do đó nếu ảnh hưởng của bão số 4 tiếp tục mưa sẽ dễ gây ra sạt lở đất. Cần phải di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ, tổ chức trực ban 24/24 đến cấp thôn, thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình mưa lũ, sạt lở đất. Cử người canh gác tại các khu vực ngầm tràn, khu vực nguy hiểm để hướng dẫn người dân, cắm biển cảnh báo, rào chắn ở khu vực nguy hiểm.
Đối với công tác đảm bảo an toàn hồ chứa: đối với các hồ chứa thủy lợi cần tiếp tục theo dõi rà soát lại, không được chủ quan đặc biệt với các hồ chứa có dung tích nhỏ (từ 500 nghìn m3 đến 1,5 triệu m3).
Đối với khu vực trũng thấp cần phải chủ động thông báo cho người dân những điểm có nguy cơ ngập úng đặc biệt khu vực đô thị để người dân có các phương án phòng tránh. Thường xuyên theo dõi, kiểm đếm và thông báo cho chủ tàu thuyền, lồng bè đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản.
Theo bienphong.com.vn