Ứng phó với thời tiết bất thuận trong vụ mùa

Đăng ngày: 17-06-2019 | Lượt xem: 1303
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, từ nay đến cuối năm 2019, khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Để giành thắng lợi trong sản xuất vụ mùa, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với những bất thuận do thời tiết gây ra.

Vụ mùa năm nay, thành phố Hà Nội phấn đấu gieo trồng khoảng 109.636ha

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, do biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, từ nay đến tháng 8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng. Đồng thời, trong các tháng 7, 8, 9, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện khoảng 6-8 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, nguy cơ cao xảy ra úng, ngập diện tích sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Vụ mùa năm nay, thành phố Hà Nội phấn đấu gieo trồng khoảng 109.636ha (87.915ha lúa, 4.166ha ngô, 919ha đậu tương, 763ha lạc…). Để ứng phó với diễn biến bất thuận của thời tiết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở đã chỉ đạo các địa phương vận động nông dân tập trung gieo cấy trà cực sớm, trà sớm và trà trung, hoàn thành việc gieo cấy trước ngày 30-6, chậm nhất là ngày 5-7. 

Các địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng các bộ giống lúa ngắn ngày (Khang dân, Thiên ưu 8, Kim cương 111, TBR36, TBR45, TBR225, BT7, HDT10, J02…) để thu hoạch lúa trước ngày 30-9, bảo đảm thời vụ sản xuất cây vụ đông. 

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố triển khai các giải pháp cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp vụ mùa...

Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã hoàn thành công tác nạo vét, khơi thông cửa khẩu, sửa chữa, lắp đặt trạm bơm dã chiến và đang lấy nước, dẫn lên đồng ruộng, phục vụ nhân dân làm đất, gieo cấy. 

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường, do trùng vào mùa mưa, bão nên nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ mùa thuận lợi hơn vụ xuân. Vì vậy, cùng với triển khai các giải pháp cung cấp đủ nước sản xuất, Công ty đang tập trung xây dựng phương án ứng phó với các tình huống úng ngập do mưa.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại, do vụ mùa luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến thời tiết nên ngoài việc sản xuất đúng khung thời vụ, cơ cấu giống, nghiêm túc thực hiện phương án phòng, chống úng ngập đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, các quận, huyện, thị xã cần chuẩn bị đủ các loại giống dự phòng để khôi phục sản xuất kịp thời. 

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho biết: Do nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang nên huyện tăng cường tuyên truyền để nông dân thực hiện đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp Hà Nội về thời gian gieo cấy và cơ cấu giống. 

Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các đơn vị chủ động dự trữ các giống lúa cực ngắn ngày để phục hồi diện tích lúa bị chết khi xảy ra tình huống úng ngập trong tháng 7; dự trữ một số giống rau để phục hồi sản xuất khi xảy ra tình huống ngập lụt trong tháng 8… Chỉ đạo này đã được phổ biến đến người dân một cách kịp thời. 

Theo bà Nguyễn Thị Lâm, ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), gia đình đã mua dự trữ 5kg thóc giống J02; 6 tạ phân bón NPK để phục vụ gieo cấy và dự phòng…

Cùng với Chương Mỹ, tại các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai... người dân đã thực hiện đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp Hà Nội.

Theo hanoimoi.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: