Cảnh báo sớm và chủ động ứng phó La Nina

Đăng ngày: 13-08-2024 | Lượt xem: 253
Theo nhận định của các nhà khoa học, La Nina đang có dấu hiệu quay trở lại với tần suất mưa lớn, bão, lũ gia tăng ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. PV Báo SGGP ghi nhận ý kiến của đại diện một số cơ quan có chức năng theo dõi, dự báo và triển khai ứng phó La Nina.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Nguy cơ lũ lụt trầm trọng hơn

Hiện tượng ENSO (để chỉ cả 2 hiện tượng El Nino và La Nina) vẫn đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8, có thể chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 9 đến tháng 11 với xác suất 60%-70%. Khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh. Đây sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở khu vực phía Đông Thái Bình Dương sẽ ít mưa và hạn hán, còn ở phía Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) lại có lượng mưa nhiều hơn bình thường. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều trên Biển Đông, tập trung trong thời gian ngắn và thời gian hoạt động gần trùng với cao điểm mùa mưa trên các khu vực của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ lũ lụt trầm trọng hơn.

Ngay từ đầu năm 2024, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã nhận định, El Nino có khả năng kết thúc sớm và chuyển pha nhanh sang trạng thái trung tính, sau đó là giai đoạn La Nina vào cuối năm. Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia có báo cáo nhận định dài hạn về diễn biến của hiện tượng ENSO gửi các bộ, ngành, địa phương để có biện pháp ứng phó sớm. Trước mỗi đợt thiên tai có nguy cơ gây tác động lớn như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, hạn hán…, chúng tôi đều chủ động và sớm có báo cáo nhận định gửi đến Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Để nâng cao chất lượng thông tin dự báo, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đánh giá khách quan công nghệ dự báo mưa lớn với các hạn dự báo khác nhau, trước mắt tăng cường ứng dụng đối với hạn dự báo 2-3 ngày. Đồng thời rà soát quy trình dự báo, cảnh báo thời hạn 2-3 ngày, tập trung vào trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị dự báo và chi tiết hóa các bản tin; tăng cường đôn đốc công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo trước mỗi đợt thiên tai.

Theo cảnh báo của cơ quan dự báo thì hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái La Nina, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể lên tới 11-13 cơn, trong đó có 5-7 cơn đổ bộ đất liền, tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các sông suối miền Bắc có thể đạt báo động 2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất vẫn tiếp diễn.

Ông Phạm Đức Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai

Ngay từ tháng 5 Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2024. Ban chỉ đạo đã nêu một số giải pháp, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, đánh giá, xác định trọng điểm mưa lũ, chuẩn bị ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai; xây dựng kế hoạch diễn tập đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập với các tình huống mưa lũ lớn, diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, cứu hộ cứu nạn; diễn tập đảm bảo an toàn tàu thuyền khi bão đổ bộ… Với tình hình mưa lũ và ngập lụt được cảnh báo có thể khốc liệt trong thời gian tới, an toàn đê điều là vấn đề rất quan trọng. Bộ NN-PTNT đã đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều khi có lũ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó với mưa lũ.

Thời gian qua, tần suất mưa liên tục và lượng mưa lớn xảy ra ở nhiều nơi thuộc miền Bắc nên các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà… phải mở các cửa xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa thuộc lưu vực sông Hồng để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Để không bất ngờ trước thiên tai, nhất là tình hình mưa lũ diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường và để khắc phục các bất lợi về địa hình, những tác động của nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… thì việc chủ động phòng chống thiên tai là hết sức cần thiết để giảm thiểu thiệt hại.

Tạp chí KTTV 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: