Mưa lớn gây sạt lở vùi lấp nhà ở Trà My, cô lập xã Trà Leng

Đăng ngày: 19-11-2021 | Lượt xem: 2516

 

Mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đường ở vùng cao Quảng Nam trong những ngày qua.

Thủy điện vận hành xả lũ điều tiết nước với lưu lượng khá lớn

Đêm 17 và ngày 18-11, thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn) và thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) đã vận hành xả lũ điều tiết nước với lưu lượng khá lớn. Theo số liệu cập nhật lúc 12 giờ trưa 18-11, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đắk Mi 4 hơn 730 m3/giây, thủy điện này xả lũ với lưu lượng 624 m3/giây; lưu lượng nước về hồ Sông Tranh 2 ở mức hơn 1.500m3/giây, thủy điện này xả lũ về hạ du hơn 1.300m3/giây.

Nhiều điểm sạt lở, giao thông chia cắt

Theo UBND huyện Bắc Trà My, do mưa lớn kéo dài nên đến trưa 18-11, trên địa bàn huyện đã có hàng chục điểm sạt lở lớn tại các trục đường chính, giao thông đến nhiều xã bị ách tắc. Qua đó, huyện Bắc Trà My đã di dời gần 100 người dân ở nơi có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Trên tuyến QL40B đoạn qua khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Tân), tại vị trí này vào tháng 11 năm ngoái, sạt lở khiến vùi lấp làm chết một người, nay lại tiếp tục tái diễn. Ngày 17-11, hàng trăm khối đất đá đổ xuống mặt đường quốc lộ khiến các phương tiện giao thông không thể qua lại.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, hiện địa phương chưa thể huy động người và phương tiện đến khắc phục điểm sạt lở dưới chân thủy điện Sông Tranh 2 vì đang rất nguy hiểm. “Trước mắt, lực lượng chức năng bố trí rào chắn, chốt chặn không để người và phương tiện lưu thông qua đây. Theo đề nghị của huyện, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã mở gác chắn bảo vệ tại khu đập phụ và đập chính thủy điện Sông Tranh 2 cho người dân lưu thông tạm để tránh điểm sạt lở này”- ông Vũ thông tin.

Hiện trường vụ sạt lở vùi lấp một ngôi nhà tại thị trấn Trà My sáng 18-11.

Tại thôn 3, xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My), khoảng 2 giờ ngày 18-11, một quả đồi lớn bất ngờ bị xé toạc, hàng ngàn khối đất đá cùng cây cối tràn xuống khu vực dân cư. Có 2 ngôi nhà của người dân nằm ngay chính diện vụ sạt lở đất, nhưng rất may mắn đất đá đổ xuống lệch sang một bên, không tràn vào nhà nên mọi người thoát nạn. Nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã triển khai di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức chốt chặn, không để người dân lưu thông qua khu vực sạt lở.

Ngoài ra, trên tuyến đường Đông Trường Sơn qua địa phận huyện Bắc Trà My cũng xảy ra một số điểm sạt lở. Hàng trăm khối đất đá đổ xuống đường gây tắc nghẽn lưu thông. Đơn vị quản lý tuyến đường đã bố trí biển cảnh báo nguy hiểm, cử lực lượng chốt chặn; đồng thời điều động phương tiện cơ giới đến hiện trường khẩn trương khắc phục để các phương tiện có thể lưu thông qua lại.

Anh Trần Hữu Phước được người thân đưa ra khỏi hiện trường sạt lở.

Vùi lấp nhà dân

Đặc biệt, khoảng 8 giờ ngày 18-11, khi đang tác nghiệp ghi hình tại tổ Trung Thị (thị trấn Trà My), nhóm phóng viên Trung tâm VHTT&TTTH huyện Bắc Trà My hốt hoảng khi chứng kiến cảnh lở núi vùi lấp hoàn toàn một nhà dân khiến một người bị thương tích. Anh Tuấn Tú – phóng viên của Trung tâm VHTT&TTTH huyện Bắc Trà My kể lại: Khi lực lượng chức năng đang giúp người dân thu dọn tài sản di dời đi nơi khác thì bất ngờ xảy ra sự việc. Chứng kiến toàn bộ vụ sạt lở, phóng viên ghi nhận được cảnh tượng kinh hoàng. Lúc đó một quả đồi đổ sập kèm theo tiếng nổ lớn. Trụ điện trung thế 35kV đã đổ sập vào nhà dân tạo nên những tia lửa điện sáng cả một góc trời. Hậu quả ngôi nhà của anh Trần Hữu Phước đã bị vùi lấp hoàn toàn. Bản thân anh Phước bị thương được người thân đưa đi cấp cứu.

“Địa điểm này có dấu hiệu sạt lở từ hôm qua, chính quyền địa phương đã kịp thời di dời một số hộ dân lân cận tại khu vực đến nơi an toàn. Sáng nay những hộ còn lại tiếp tục được di dời nên chúng tôi đến đây ghi hình lấy thông tin. Khi đang tác nghiệp thì xảy ra vụ việc trên. May lúc đó chúng tôi phát hiện kịp thời nên hô hoán bỏ chạy. Nếu chậm một chút thì không biết sẽ ra sao”- anh Tú ngậm ngùi kể lại.

Được biết, cũng tại khu vực này năm 2017 từng xảy ra vụ sạt núi kinh hoàng khiến 4 người chết, 4 người bị thương. Hiện tại, lực lượng chức năng đã di dời 18 hộ dân tại xung quanh khu vực sạt lở. Đồng thời, vận động tiếp tục các hộ dân các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Dự báo, mưa lớn vẫn còn tiếp diễn tại huyện miền núi Bắc Trà My trong 24 giờ đến, lượng mưa đo được tại địa phương này từ 250 đến 350mm.

Các cô giáo Trường Mẫu giáo Trà Leng được di dời đến nơi an toàn.

Trà Leng bị cô lập

Còn tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), chiều 18-11, bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trà Leng cho hay, mưa lớn kéo dài liên tục trong những ngày qua khiến nhiều khu vực trên địa bàn xã bị sạt lở. “Từ tối 17-11, mưa lớn trút không ngớt khiến tuyến đường nối Quốc lộ 40B dẫn vào xã Trà Leng bị sạt lở nặng, mặt đường đứt gãy. Đến sáng 18-11, toàn xã bị cô lập hoàn toàn do đường sá sạt lở, hư hỏng. Trên tuyến đường vào xã có khoảng 5 điểm sạt lở nghiêm trọng.

Riêng Trường Mẫu giáo Trà Leng phải tạm thời đóng cửa do nằm trong khu vực nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở; các giáo viên tại đây cũng được di dời đến địa điểm an toàn. Hiện lực lượng chức năng của xã đã dựng biển cảnh báo tại điểm sạt lở nhằm ngăn người dân không đến gần. Tại một số đoạn đường ngập sâu, sạt lở nặng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Trà Leng cắm bảng thông báo để người dân đề phòng nguy hiểm”- bà Hằng thông tin.

Được biết, thời điểm cuối tháng 10-2020, cũng tại khu vực thôn 1, xã Trà Leng xảy ra vụ sạt lở núi kinh hoàng khiến 11 ngôi nhà bị cuốn trôi, 22 người bị vùi lấp. Dù các ngành chức năng đã nỗ lực tìm kiếm nhưng đến nay vẫn còn 13 người mất tích.

Theo Báo Công an nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: