Triển khai thử nghiệm thành công truyền dữ liệu Radar từ VNMHA đến JMA qua Hệ thống thông tin WIS 2.0

Đăng ngày: 24-06-2024 | Lượt xem: 865
WMO đang triển khai hệ thống thông tin WIS 2.0 để đáp ứng gia tăng khối lượng dữ liệu trao đổi giữa các thành viên. Trong đầu năm 2024, Trung tâm Thông tin và dữ liệu KTTV đã thiết lập thành công hệ thống truyền tự động dữ liệu Radar từ Trung tâm Quan trắc KTTV đến Trung tâm Wigos vùng (RWC) Tokyo trong khuôn khổ thử nghiệm WIS 2.0 của khu vực.

Dự án phát triển mạng radar vùng Đông Nam Á đã được triển khai từ năm 2019 gồm nhiều hạng mục liên quan chủ yếu đến triển khai lắp đặt 2 radar Nhật tại Việt Nam là radar Phủ Liễn và Vinh và kỹ thuật xử lý dữ liệu radar tại Trung tâm Quan trắc KTTV. Cuối năm 2023, dữ liệu Radar tại Việt Nam đã được chuẩn hóa phù hợp để tổ hợp chung vào ảnh vùng radar Đông Nam Á. JMA đánh giá sản phẩm dự án từ các nước Đông Nam Á sẽ là cơ hội tốt để thử nghiệm một số tính năng cơ bản của WIS 2.0.

Sự gia tăng khối lượng dữ liệu trao đổi giữa các thành viên đã thúc đẩy WMO triển khai hệ thống thông tin WIS 2.0. Trong hệ thống cũ, do hạn chế về hạ tầng, chủ yếu các nước thành viên thực hiện trao đổi dữ liệu quan trắc thủ công với tần suất từ 3 đến 6 tiếng. Hiện nay, nhu cầu về dữ liệu quan trắc tự động và các hệ thống dữ liệu lưới như radar, vệ tinh và mô hình đang tăng lên rất nhiều. WMO khuyến khích thành lập các mạng quan trắc vùng cơ sở RBON để trao đổi nhiều hơn các dữ liệu khí tượng, thủy văn và radar. Dự án phát triển mạng radar vùng Đông Nam Á do JMA thực hiện đã đáp ứng yêu cầu thực tế về dữ liệu RBON cũng như là cơ hội tốt để triển khai thử nghiệm cho WIS 2.0.

Ảnh tổ hợp radar Đông Nam Á do JMA công bố tháng 01/2024

Sau khi tiếp nhận yêu cầu truyền dữ liệu từ Trung tâm Quan trắc KTTV và JMA, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV đã thực hiện trao đổi kỹ thuật để làm rõ yêu cầu và thực hiện xây dựng phần mềm phù hợp với yêu cầu từ cả 2 phía. Dữ liệu radar được truyền tự động và được JMA xác nhận ổn định vào tháng 3/2024. Như vậy, cùng với Thái Lan và Singapore, dữ liệu radar của Việt Nam đã được tích hợp tự động vào hệ thống.

Phần mềm được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV  xây dựng mới sử dụng ngôn ngữ Csharp có giao diện phù hợp và có thể mở rộng truyền thêm các dữ liệu khác trong tương lai giữa JMA và VNMHA. Tuy khối lượng dữ liệu chưa nhiều nhưng đường truyền mới đã thử nghiệm được một số các tính chất quan trọng của hệ thống WIS 2.0, cụ thể gồm:

- Dữ liệu được truyền là dạng dữ liệu lưới thời gian thực;

- Hệ thống thu nhận và trả dữ liệu theo mô hình public/subscribe giống như các hệ thống mạng xã hội thông dụng hiện nay;

-Dữ liệu được vùng hóa, cụ thể là được tổ hợp thành ảnh chung và khai thác trên môi trường dịch vụ service web.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: