Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

Đăng ngày: 18-12-2024 | Lượt xem: 274
Sáng ngày 18/12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục La Đức Dũng và Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường tham dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV: Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Tổng cục; Vụ Quản lý Dự báo KTTV; Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia; Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV, Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo thiên tai cùng toàn thể cán bộ viên chức, người lao động và các đơn vị trực thuộc của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tham dự hội nghị.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, 2024 là một năm có diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp do nửa đầu năm, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính (nghiêng về pha lạnh) trong những tháng cuối năm. Theo thống kê, tổng cộng đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai trên phạm vi cả nước. Đáng chú ý, các cơn bão, hoàn lưu bão, đợt mưa lớn kéo dài và mưa lớn cục bộ đã gây ra chuỗi thiên tai đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lũ quét và sạt lở đất. Tính đến ngày 15/12/2024, trên biển Đông đã có 9 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, ít hơn khoảng 2 cơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó có 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (các cơn bão số 2, 3, 4 và 6). Đặc biệt, bão số 3 (YAGI) được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Bão đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15 (riêng trạm Bãi Cháy ở độ cao 34m quan trắc được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17). Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, giật 12-14. Thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Về mưa lớn trên diện rộng, tính đến ngày 15/12, trên cả nước đã xảy ra 21 đợt. Trong đó, đáng chú ý là đợt mưa lớn từ đêm 6 - 12/9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ở Bắc Bộ. Có tới 83/84 trạm đo ở Bắc Bộ ghi nhận lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với TBNN trong 10 ngày đầu tháng 9. Đợt mưa này đã gây lũ lớn ở Bắc Bộ và gây sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh vùng núi và trung du.

Nếu từ tháng 6 - 8, các sông ở Bắc Bộ chỉ có lũ nhỏ thì sang tháng 9, trên phần lớn các sông ở Bắc Bộ đã xuất hiện đợt lũ lớn và lũ lịch sử do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Thái Bình, sông Hoàng Long và nhiều sông suối khu vực hạ lưu sông Hồng-Thái Bình và cửa sông ven biển đều vượt mức báo động 3.

Lũ lớn kéo theo ngập lụt sâu diện rộng từ ngày 7 - 15/9 ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ (Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương...), gây thiệt hại lớn đến người và tài sản.

Với hơn 8.400 bản tin, Trung tâm đã cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương; cùng các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trong các đợt thiên tai, Trung tâm thường xuyên tăng cường các bản tin chuyên đề như bão, lũ chi tiết và cập nhật từng giờ; bản tin dự báo nguồn nước phục vụ vận hành liên hồ chứa thời gian thực gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ và các Bộ, ngành để thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành và ứng phó. Các sản phẩm dự báo được chia sẻ liên tục và cập nhật tới các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh.

Năm 2024, Trung tâm đã vận hành Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các dự báo giữa các đơn vị dự báo, thực hiện chi tiết hoá các bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong thời gian xuất hiện mưa lớn.

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tham luận tại hội nghị

Đề xuất về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai thủy văn, Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn cho biết trong năm 2024 cũng đã xảy ra 39 đợt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng trên phạm vi 32 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Phần lớn đều gây thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là ở khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ. Thiệt hại nặng nề nhất là ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Cao Bằng.

Bên cạnh đó, thống kê cho thấy tổng cộng đã có 18 đợt không khí lạnh, 19 đợt nắng nóng trên phạm vi cả nước; tình trạng hạn mặn diễn ra sớm ở đồng bằng sông Cửu Long, thiếu nước nghiêm trọng tại Trung Bộ và Tây Nguyên... Nhiều đợt mưa dông trên diện rộng kèm các hiện tượng dông, lốc, sét gây thiệt hại về người và tài sản. Mưa lớn cục bộ gây ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và các đô thị nhiều vùng trên cả nước. Trước diễn biến thiên tai phức tạp, các cán bộ khí tượng thủy văn không quản ngại ngày đêm, đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV, nguồn nước theo quy định của Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Tại hội nghị, các đơn vị trực thuộc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trực thuộc Tổng cục KTTV cũng như các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT đánh giá cao sự phối hợp giữa Trung tâm với các đơn vị liên quan, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo KTTV. Các ý kiến cũng đồng tình và đóng góp làm rõ hơn mức độ nghiêm trọng của thiên tai năm 2024, với nhiều kỷ lục về nắng nóng, mưa lớn, siêu bão, lũ lụt... cả về trị số và cách thức xuất hiện theo hướng nhanh, thời gian kéo dài và phạm vi rộng.

Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực miền núi phía Bắc chia sẻ về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong đợt mưa lũ do bão số 3

Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội nghị

Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ phát biểu tại hội nghị

Đại diện Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo thiên tai phát biểu tại hội nghị

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết: Tổng cục đã đề xuất tới Hội đồng Bộ Tài nguyên và Môi trường sự kiện “Siêu bão Yagi gây gió mạnh chưa từng có và mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất nghiêm trọng trên diện rộng ở Bắc Bộ - Hệ thống cảnh báo sớm được kích hoạt đồng bộ góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng”, là 1 trong những sự kiện Tài nguyên và môi trường nổi bật của năm 2024. Điều này khẳng định hiệu quả của toàn Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia, mà Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia là nòng cốt, tiên phong.

“Chúng ta vẫn rất nhớ cảm xúc, áp lực về trí não và thể lực đối với dự báo viên lớn khủng khiếp trong những ngày diễn ra thiên tai kỷ lục này. Nhiều dự báo viên, trong đó có tôi, đã thốt lên: Cả đời làm dự báo, chắc chỉ có lần này!” – Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường chia sẻ.

Trong bối cảnh năm 2025, dự báo tình hình thiên tai sẽ phức tạp, bất thường, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Trung tâm chủ động đổi mới phương pháp làm việc từ công tác quản lý đến vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV. Phương châm chủ đạo vẫn là: Bản tin dự báo, cảnh báo KTTV sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn; đồng thời cần thêm số hóa hơn, trực quan hơn. Bên cạnh đó, tổ chức quán triệt việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát biểu tại hội nghị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng như ý kiến đề xuất của các đơn vị liên quan, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Cùng với nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị hàng năm, Trung tâm sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025, trước hết là xây dựng Dự thảo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm với tinh thần tinh gọn bộ máy, hiệu quả.

Trung tâm sẽ triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn; tiếp tục vận hành và hoàn thiện Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực; triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin thời tiết, thiên tai KTTV trên website, ứng dụng di động phục vụ người dùng khai thác; cung cấp các sản phẩm dự báo đến các đơn vị theo quy định.

Đặc biệt, năm tới sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, nhất là dự báo mưa thời đoạn ngắn 24 tiếng; triển khai xây dựng các công cụ tính toán quy mô và mức độ tác động trên cơ sở tích hợp hiện trạng số liệu đối tượng chịu tác động, cường độ thiên tai và xác suất xảy ra thiên tai; giám sát biến đổi khí hậu và triển khai Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam...

Toàn cảnh hội nghị

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: