Các biện pháp phòng, chống sét đánh. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Số vụ sét đánh và số người chết do sét đánh có chiều hướng gia tăng sau mỗi năm. Cụ thể, năm 2017 xảy ra 16 vụ sét đánh khiến 16 người chết. Năm 2018 tăng lên 22 vụ khiến 25 người chết. Số vụ sét đánh năm 2019 là 22 vụ làm 26 người tử vong.
Năm 2020, số vụ sét đánh tăng lên 29 vụ làm 32 người chết. Đến năm 2021, số vụ sét đánh giảm còn 27 vụ khiến 32 người chết. Riêng gần 7 tháng năm 2022 đã xảy ra 36 vụ sét đánh làm 44 người tử vong.
Tính trung bình trong gần 6 năm qua, mỗi năm có khoảng 29 người tử vong do sét đánh.
Nhằm tăng cường công tác thông tin truyền thông và giảm thiểu thiệt hại do sét gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đưa ra một số tài liệu hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh sét để phối hợp thông tin truyền thông, hướng dẫn cộng đồng chủ động phòng, tránh.
Theo đó, khi ở trong nhà, người dân cần ngắt các thiết bị điện khỏi nguồn điện; tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước; đứng xa cửa sổ, cửa ra vào; tránh xa (ít nhất 1m) các dây điện thoại, dây điện, các đồ dùng điện.
Khi ở ngoài trời, người dân cần tránh xa cây cao, vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người; không đứng ở đỉnh đồi, vùng đất trống; không đứng, ngồi cạnh cột điện, đường dây tải điện.
Nhà cao tầng phải có cột thu lôi; vùng nông thôn, đồi núi trồng nhiều cây xanh nhưng không nên để quá cao và sát nhà.
Cũng theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trong khi số người tử vong do sét đánh tăng mỗi năm thì số người tử vong do lũ và đuối nước có chiều hướng giảm.
Theo số liệu của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, giai đoạn 2017 đến tháng 6/2022, đã có 563/1.303 (chiếm 43%) người chết do lũ, đuối nước.
Cụ thể, năm 2017, cả nước ghi nhận 243 người tử vong do lũ và đuối nước. Con số này giảm xuống còn 92 người tử vong vào năm 2018 và 44 người vào năm 2019.
Năm 2020, do trận mưa lũ lịch sử tại miền Trung, số người tử vong do lũ và đuối nước tăng lên 116 người. Tuy nhiên đến năm 2021, số người tử vong do lũ và đuối nước giảm còn 52 người và trong 7 tháng năm 2022, con số này là 16 người.
Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 5-14 tuổi. Chỉ riêng từ tháng 1 đến tháng 5/2022 có 113 trẻ em bị tử vong do đuối nước, đặc biệt, trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ em tử vong do đuối nước.
Một trong những nỗ lực phòng, chống đuối nước ở Việt Nam là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021, Phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Chương trình nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Dạy bơi và các kỹ năng an toàn khác cho trẻ là một trong những biện pháp hiệu quả phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Ảnh: Bích Nguyên
Chương trình đưa ra mục tiêu vào năm 2030 giảm tỉ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em; giảm tỉ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 5/100.000 trẻ em. Hằng năm, giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. 15.000 trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn vào năm 2030...
Chương trình cũng phấn đấu có 95% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ, 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2030.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm và nhân rộng việc triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.
Bích Nguyên