Nhà dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái. (Ảnh: baoquangtri.vn)
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, đêm 22/4/2023, trên địa bàn huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Quản Bạ, Đồng Văn và Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang); huyện Pắc Nặm (tỉnh Bắc Kạn) đã xảy ra mưa đá kèm dông lốc. Ảnh hưởng của thiên tai đã làm 1 nhà bị sập (Hà Giang); 95 nhà tốc mái hoàn toàn (Hà Giang 25, Bắc Kạn 70); 304 nhà bị tốc mái một phần (Hà Giang); 184,95 ha lúa, ngô bị thiệt hại (Hà Giang 69,02, Bắc Kạn 115,93); 2 điểm trường và 1 trạm viễn thông bị tốc mái (Hà Giang); 1 cột điện bị gãy đổ và 9 chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng (Bắc Kạn).
Tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Namvà Gia Lai, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, từ 21-23/4/2023 đã xảy ra mưa dông kèm theo lốc xoáy, mưa đá, sét và gió giật mạnh xảy ra trên địa bàn các tỉnh, làm 1 người bị thương nhẹ (tại Quảng Trị). Về nhà ở, hư hỏng, tốc mái, 154 nhà (Quảng Trị 21 nhà; Quảng Nam 12 nhà; Gia Lai 121 nhà).
Về nông nghiệp, lâm nghiệp, lúa gãy, đổ 4.289 ha (Quảng Trị 2.979,5 ha; Quảng Nam 1.307,5 ha; Gia Lai 2,9 ha); hoa màu ngã đổ, hư hỏng 50,07 ha (Quảng Trị 24,5 ha; Quảng Nam 23,5 ha; Gia Lai 2,07ha); nhà trang trại bị tốc mái, hư hỏng10 nhà (Quảng Trị).
Ngoài ra, 1 nhà hội trường thôn bị tốc mái (tại Quảng Trị); 1 nhà để xe trường học tốc mái 50m2 (tại Quảng Nam); 1 lò sấy thuốc lá bị tốc mái (tại Gia Lai); 11 cột đèn, trụ điện chiếu sáng bị đổ (Quảng Trị: 1; Gia Lai: 10).
Tại tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, ảnh hưởng củamưa lớn kèm lốc xoáy đã làm 21 nhà bị tốc mái (Bình Phước 20 nhà; Đồng Nai 1 nhà) và một số diện tích hoa màu bị thiệt hại. Hiện địa phương đang tổ chức thống kê thiệt hại.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống và tiếp tục tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, ngày 24 - 25/4, Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên và Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.
Bên cạnh đó, đêm 24/4, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi Bắc Bộ, từ 25 - 26/4, phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 20 - 23 độ C, vùng núi có nơi dưới 19 độ C.
Từ chiều 25/4, Bắc vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động.
Về tình hình xâm nhập mặn khu vực Nam bộ, khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 45 - 55km.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu 25 - 30km.
Dự báo, từ nay đến 30/4, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm dần, độ mặn phổ biến tại các trạm nhỏ hơn so với độ mặn cao nhất tháng 4/2022, riêng một số trạm tại Long An, Kiên Giang có độ mặn lớn hơn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: cấp 1-2.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nắng nóng, mưa đá, dông, lốc, sét, gió mùa Đông Bắc và xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Phước và Đồng Nai triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa đá, dông, lốc giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
B.T