Bắc Giang: Nâng cấp công trình, chủ động ứng phó với mưa bão

Đăng ngày: 17-03-2023 | Lượt xem: 1996
Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang gấp rút hoàn thành nâng cấp công trình thủy lợi và xử lý vi phạm liên quan đến đê điều.

Ưu tiên cải tạo trạm bơm

Thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện toàn tỉnh có 823 trạm bơm, trong đó có 53 trạm bơm vừa và lớn do các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý, còn lại là trạm bơm nhỏ, cục bộ do UBND các huyện, TP quản lý.

Do phần lớn các trạm bơm được đưa vào sử dụng, khai thác từ hơn 40 năm trước nên bị xuống cấp, không đáp ứng đủ năng lực tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt; tiêu nước phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp và dân sinh trên địa bàn.

Dự án xây mới Trạm bơm Cống Chản, xã Yên Sơn (Lục Nam) cơ bản hoàn thành.

Dự án xây mới Trạm bơm Cống Chản, xã Yên Sơn (Lục Nam) cơ bản hoàn thành.

Trạm bơm Lạc Gián, xã Hương Gián (Yên Dũng) có bể hút kênh dẫn bị bồi lắng nhiều, máy bơm cũ, hiệu suất kém hay trạm bơm tiêu Trúc Tay, xã Vân Trung (Việt Yên) có 1 đèn báo hiện tại không hoạt động, máy bơm tiêu nước ngập của tầng hầm bị tắc bơm nên rất yếu, không bảo đảm… Các công trình xuống cấp trong khi diện tích ao, hồ tích trữ nước mặt ngày càng ít khiến nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ mỗi khi có mưa lớn.

Đơn cử, trong đợt ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 hồi cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh có gần 1,2 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, tập trung nhiều tại các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Tân Yên… Tương tự, mỗi khi có mưa lớn, nhiều khu vực ở thôn Chúng và thôn Khoát, cùng xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) cũng bị ngập úng cục bộ.

Nhìn nhận rõ nguyên nhân dẫn đến ngập úng cục bộ tại các địa phương, những năm gần đây, UBND tỉnh ưu tiên, dành nhiều nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi. Cụ thể, từ nguồn ngân sách tỉnh, đầu năm 2023, Chi cục Thủy lợi hoàn thành 11 công trình xử lý chống sạt lở đê, tổ mối; nâng cấp kênh, trạm bơm. Tương tự, giai đoạn 2022-2023, UBND tỉnh bố trí hơn 990 tỷ đồng, giao Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư 14 dự án liên quan đến đê điều. Đến hết tháng 2/2023, có 11/14 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; trong đó có 4 trạm bơm, 6 cống qua đê và 1 dự án tu bổ chống sạt lở trên đê hữu Thương đoạn qua xã Liên Chung (Tân Yên).

Để sẵn sàng hộ đê, chống lũ, ngày 1/3/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị yêu cầu các tỉnh, TP có đê tập trung hoàn thành công tác tu bổ đê điều, bảo đảm an toàn cống dưới đê, xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang đê...

Ông Nguyễn Bình Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh cho biết: “Dù các dự án trên đều được bố trí từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 song với quyết tâm sớm đưa vào khai thác, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 7/2023, các trạm bơm còn lại gồm: Khám Lạng, Ngòi Mân và Cống Chản (cùng huyện Lục Nam) sẽ đi vào hoạt động. Các dự án hoàn thành sẽ đáp ứng năng lực tưới tiêu không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho vùng phi nông nghiệp”.

Xử lý nghiêm vi phạm

Với 3 sông lớn chảy qua, Bắc Giang có gần 138,6 km đê, trong đó có một tuyến đê cấp II, 3 tuyến đê cấp III. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có tuyến đê hữu Lục Nam chưa phân cấp với chiều dài gần 15,5 km cùng hệ thống đê cấp IV, đê bối, đê bao. Mặc dù hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch, giao các địa phương xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều, bảo đảm an toàn các tuyến đê song nhiều vi phạm vẫn tồn tại. Đơn cử, 3 năm gần đây, dây chuyền sản xuất cọc bê tông, chất tải cọc bê tông của gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Quang Biểu, xã Quang Châu (Việt Yên) đều được đưa vào danh sách phải xử lý song vẫn hoạt động. Chiều 13/3, phóng viên ghi nhận tại đây có hàng trăm cọc bê tông; một số công nhân đang tiến hành buộc khung sắt, tập kết máy móc, vật tư để phục vụ sản xuất.

Tương tự, 7 bến, bãi ven sông trên địa bàn huyện Hiệp Hòa cũng chưa được giải quyết dứt điểm, tiếp tục đưa vào diện phải xử lý trong năm nay… Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Dù đã vào cuộc tích cực, thậm chí tổ chức tháo dỡ các trụ cẩu, cắt dốc tại các bến bãi song các chủ bến vẫn cố tình vi phạm. Với những trường hợp này huyện sẽ có biện pháp mạnh tay hơn, không để vi phạm tái diễn”.

Dây chuyền sản xuất cọc bê tông, chất tải cọc bê tông của gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Quang Biểu, xã Quang Châu (Việt Yên) tiếp tục nằm trong danh sách phải xử lý.

Dây chuyền sản xuất cọc bê tông, chất tải cọc bê tông của gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Quang Biểu, xã Quang Châu (Việt Yên) tiếp tục nằm trong danh sách phải xử lý.

Theo nhận định, từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông ở mức tương đương với trung bình nhiều năm (khoảng 7 - 9 cơn) và có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam từ 4 - 5 cơn (Bắc Giang có khả năng ảnh hưởng từ 2 - 3 cơn). Để sẵn sàng hộ đê, phòng, chống lụt bão, ngày 1/3/2023, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị yêu cầu các tỉnh, TP có đê tập trung hoàn thành công tác tu bổ đê điều, bảo đảm an toàn cống dưới đê, xử lý dứt điểm vi phạm lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang đê…

Thực hiện chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn công tác làm việc trực tiếp với các huyện về xây dựng phương án ứng phó; đồng thời rà soát 125 trường hợp vi phạm về đê điều, 161 vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi theo kế hoạch của UBND tỉnh để đề nghị các đơn vị, địa phương xử lý. Căn cứ vào tình hình thực tế, các huyện, TP có đê yêu cầu Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về kết quả giải tỏa.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/401205/ba-c-giang-nang-cap-cong-trinh-chu-dong-ung-pho-voi-mua-bao.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: