Theo đó, thường xuyên quan trắc biến dạng của công trình, nhà ở; kiểm tra hệ thống điện và đánh giá chất lượng công trình, bộ phận công trình, nhà ở; có biện pháp gia cố, giằng chống đồng thời cắt, tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn khi xảy ra các loại hình thiên tai như bão, lốc… đặc biệt là công trình, nhà ở sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao. Đối với công trình, nhà ở trong khu vực thường xuyên xảy ra sét, khuyến cáo người dân lắp đặt hệ thống chống sét, bao gồm kim thu sét (có thể riêng rẽ hoặc liên kết với hệ thống dây trên mái), kết hợp với dây dẫn xuống và hệ thống tiếp đất. Định kỳ tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước xung quanh khu vực công trình, nhà ở. Trước mùa mưa, lũ phải kiểm tra, rà soát và có biện pháp khắc phục kịp thời. Có phương án sơ tán người, tài sản và chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện các quy định, khi phát hiện các hoạt động, hành vi và sự cố công trình, nhà ở có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình, nhà ở và hoạt động phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở phải kịp thời thông tin, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để xử lý, khắc phục. Trường hợp các hoạt động, hành vi và sự cố xảy ra nghiêm trọng mà không xử lý được hoặc việc phối hợp xử lý chưa đạt yêu cầu thì báo cáo UBND cấp trực tiếp để được hỗ trợ. Chấp hành việc kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc sử dụng công trình, nhà ở.
Theo Báo Thanh Hóa