Bảo đảm an toàn hồ, đập trước mùa mưa lũ

Đăng ngày: 27-04-2023 | Lượt xem: 1797
Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 208 hồ chứa lớn và vừa; số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các hợp tác xã, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác. Qua kiểm tra, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2023.

Nhà thầu tập trung thi công đường tràn công trình hồ Cai, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn).

Hồ Cai là hồ chứa thủy lợi thuộc xóm Cai, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) có chiều cao đập 8 m, dung tích 316.800 m3. Công trình cấp nước tưới cho 43,4 ha lúa 2 vụ, 13,23 ha màu và cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân xã Tân Mỹ; ngoài ra, cảnh quan của hồ có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái. Tuy nhiên, công trình đã bị xuống cấp. Tháng 10/2022, UBND tỉnh phê duyệt dự án sửa chữa nâng cấp hồ Cai từ nguồn vốn WB8 với các hạng mục chính là sửa chữa mái đập, cống lấy nước, đường tràn xả lũ và tuyến kênh mương nội đồng. Đến nay, hệ thống kênh mương xây dựng cơ bản đạt 70% kế hoạch và đang thi công đường tràn.

Theo rà soát, toàn tỉnh hiện có 134 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, chiếm 24,6% tổng số hồ chứa; 410 hồ còn lại hoạt động bình thường. 22 công trình hồ chứa bị hư hỏng đang được đầu tư sửa chữa từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện và nguồn vốn WB8, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên thiếu vốn để sửa chữa, nâng cấp; hàng năm, các đơn vị quản lý, khai thác thực hiện gia cố đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.

Tổng số các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp sửa chữa là 160 hồ, đập, bai. Các hồ, đập bị hư hỏng ở các hạng mục như: Thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… cần phải có kế hoạch để sửa chữa trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 683 tỷ đồng. Có 48 bai, đập dâng và công trình khác cần phải sửa chữa trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 1.706 tỷ đồng.

Việc khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 đã được các địa phương, đơn vị chủ động thực hiện. 6 hạng mục công trình được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn T.Ư, 14 hạng mục công trình được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh và Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh.

Với phương châm: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính gắn với thực hiện ''4 tại chỗ'', trước mùa mưa lũ, các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng, đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi tại các cấp, UBND các huyện, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của ngành và của tỉnh. Theo đó, xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn; phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ 2023; xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn công trình giữa địa phương và đơn vị quản lý. Nghiêm cấm việc cắt xẻ công trình đầu mối để triển khai thi công khi không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ.

Đối với các công trình đang thi công phần cống phải tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Đối với những công trình thi công đã hoàn thành hạng mục đập đất, cống lấy nước, trong quá trình tích nước đề nghị đơn vị quản lý, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện thấy hiện tượng bất thường phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá mức độ an toàn. Đối với những công trình hồ chứa đang thi công còn thiếu vốn, UBND các huyện, thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí để hoàn thành công trình.

Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi khẩn trương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, đặc biệt là hành lang công trình hồ chứa nước để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2023. Rà soát xây dựng kế hoạch cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định. Kiểm tra phát dọn, xử lý tổ mối trên thân đập để thuận lợi cho công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/177368/bao-dam-an-toan-ho,-dap-truoc-mua-mua-lu.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: