Theo Kế hoạch, các địa phương tập trung thực hiện một số nội dung: tuyên truyền, phát động Nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023; xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước trong thời gian tới.
Chỉ đạo các địa phương thực hiện thời vụ gieo trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao trữ nước phân tán theo quy mô hộ/nhóm hộ gia đình, bảo đảm chủ động cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; rà soát diện tích vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng vùng trồng để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp.
Theo cơ quan Khí tượng thủy văn, mùa khô năm 2022-2023, tình hình mặn xâm nhập trên các sông chính trên địa bàn Bến Tre đạt mức cao nhất từ tháng 3 đến giữa tháng 4 hàng năm với độ mặn 4 ‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 45km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 55km. Từ đầu tháng 5 trở đi, xâm nhập mặn giảm dần và bắt đầu thời kỳ chuyển sang mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nước sinh hoạt, sản xuất. Diễn biến tình hình xâm nhập mặn chủ yếu lên xuống theo triều, có những đợt mặn xâm nhập sâu, ở mức cao nhưng sau đó giảm nhanh. Đồng thời, độ mặn cao duy trì trong khoảng thời gian ngắn (khoảng hơn 1,5 tháng) và xâm nhập cách các cửa sông từ 40-45km (sông Cửa Đại xâm nhập đến xã Quới Sơn, huyện Châu Thành; sông Hàm Luông xâm nhập đến xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm; sông Cổ Chiên xâm nhập đến xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam).
Tạp chí KTTV