Theo đó, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Về lâu dài kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, hành lang bảo vệ đê kè, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng ven biển; tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động xây dựng, hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản cát, đất, đá trái phép để hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng tại địa phương…
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy các bản tin về sự cố, thiên tai liên quan đến khí tượng thủy văn, hải văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai phổ biến trong tỉnh.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở TN&MT phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo, cảnh báo kịp thời về các hiện tượng thiên tai. Ảnh: Mỹ Bình
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện, Công ty Khai thác công trình thủy lợi thực hiện công tác bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi. Tổ chức, hướng dẫn thực hiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, khai thác, vận hành công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi, công trình chống úng, chống hạn và chống xâm nhập mặn theo quy định của ngành.
Giao Sở Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra các tuyến đường tỉnh; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu và cập nhật vào phương án ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở Công Thương, UBND tỉnh yêu cầu đôn đốc, hướng dẫn các chủ đập thủy điện xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, rà soát phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định.
Giao Sở Xây dựng tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân kỹ thuật chằng chống, neo giằng bảo đảm an toàn công trình xây dựng, nhà cửa khi xảy ra bão, mưa lớn, lũ lụt. Rà soát kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trình UBND tỉnh phê duyệt chậm nhất đến 31/8/2023. Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng trong tỉnh.
Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tổ chức ứng phó hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai theo kế hoạch hiệp đồng. Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra do thiên tai.
UBND tỉnh Giao Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện; chủ động phối hợp với lực lượng quân sự tỉnh, công an tỉnh trong công tác sơ tán dân khi xảy ra mưa lớn, nguy cơ cao sạt lở đất đá, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Giao Công an tỉnh rà soát lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần; cập nhật phương án ứng phó bảo đảm an ninh, trật tự các vùng xảy ra mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trong tỉnh. Phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kịp thời sơ tán dân khi có tình huống xảy ra do thiên tai.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nguồn : https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-nang-cao-kha-nang-ung-pho-thien-tai-trong-mua-mua-lu-nam-2023-362885.html