Bộ Công Thương tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020

Đăng ngày: 29-04-2021 | Lượt xem: 1124
Sáng ngày 29 tháng 4 năm 2021, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ngành Công Thương năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Đặc biệt, năm 2020 cả nước chịu thiệt hại nặng nề (nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên) do bão lũ, thiên tai xảy ra.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, năm 2020, mặc dù tình hình thiên tai năm 2020 có nhiều diễn biến phức, các cơ sở ngành công thương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 14 cơn bão, 02 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 256 đợt giông lốc, mưa đá trên 49 tỉnh/thành phố; trong đó có 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lũ lớn lịch sử,...gây thiệt hại lớn về kinh tế, tập trung chủ yếu vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN do tình trạng gẫy đổ cột điện trung, hạ áp,…nhưng toàn ngành Công Thương đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị và ứng phó thiên tai đã đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng điểm trong suốt mùa mưa lũ năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị

Trước tình hình đó, toàn ngành Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức công tác ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng điểm trong suốt mùa mưa lũ. Các cơ quan, đơn vị luôn chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, công điện của Chính phủ, Ban chỉ đạo trung ương về PCTT và Bộ Công Thương, thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung hoành chỉnh phương án xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020 bão, lũ đã làm nghiêng, gãy đổ, hư hỏng hàng trăm cột điện hạ thế, gây mất điện diện rộng trên toàn tỉnh, làm sạt lở ở thủy điện Rào Trăng, thủy điện Hương Điền, xuất lộ nước từ đường hầm dẫn nước thủy điện A Lưới... Trước tình hình đó Bộ Công Thương đã kịp thời cử các đoàn vào Thừa Thiên Huế hỗ trợ khắc phục cũng như đánh giá, xử lý các sự cố.

“Dự báo năm 2021, số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông vẫn khá nhiều, với tinh thần không chủ quan, ngay từ đầu tháng 4/2021, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN; tập trung tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác chủ động phòng, chống thiên tai, chuẩn bị tốt các phương án tại chỗ. Về lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu”, ông Phương nhấn mạnh.

Trong năm 2021, các đơn vị trong ngành Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại địa phương trong công tác phòng chống và ứng phó thiên tai. Rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch PCTT&TKCN phù hợp với đặc thù hoạt động của từng đơn vị và các loại hình thiên tai có thể xảy ra trong năm. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các đơn vị, các địa phương để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai theo phương châm chỉ đạo “4 tại chỗ”. Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và kết cấu hạ tầng của các địa phương. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp về các loại hình thiên tai, cách ứng phó khắc phục khi thiên tai xảy ra.

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: