Các hộ dân sống ven đê bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu không chỉ diễn biến nhanh, phức tạp mà những quy luật tự nhiên cũng dần thay đổi khó nắm bắt.
Thực tế đáng báo động đó một lần nữa lại tiếp diễn tại tỉnh Cà Mau trong thời điểm dần bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm nay.
Ám ảnh sạt lở, triều dâng
Tuyến đê biển Tây được hình thành từ năm 1997, có chiều dài 108km, đi qua ba huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân với tổng cộng 10 xã, 2 thị trấn.
Tuyến đê biển Tây có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau khi bảo vệ cho hơn 26.000 hộ dân và gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phía bên trong. Bên cạnh tình trạng sạt lở ngày đêm diễn ra, mỗi khi vào mùa mưa bão, tình trạng triều cường thường xuyên dâng cao luôn là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản người dân nơi đây.
Tháng 7/2022, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai về sạt lở đê biển Tây đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc, Vàm Tiểu Dừa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Thời điểm đó, tại những đoạn đê này đều bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê rất cao, kết hợp với thủy triều dâng cao không chỉ gây ngập lụt nhà cửa, diện tích đất sản xuất mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân nơi đây.
Nỗi ám ảnh về những vụ sạt lở, triều cường đối với người dân nơi đây một lần nữa lại ập đến khi gió mùa Tây Nam đang bắt đầu thổi mạnh. Là phụ nữ, lại thường xuyên một mình đi biển, chị Trần Thanh, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời vẫn chưa thể quên lần thoát chết trong đợt triều cường dâng cao kèm sóng lớn vừa qua.
“Khi đó, gió thổi mạnh kèm sóng lớn đánh trùm qua kè. Sóng hất tung cả người xuống biển, nhưng may mắn, sự việc chỉ diễn ra khoảng 5 phút nên tôi mới thoát nạn. Đợt triều cường vừa rồi đã gây thiệt hại tài sản rất lớn cho người dân, nhất là những hộ sống ngoài đê, tài sản hầu như đều mất hết, có người vớt vát được chút đỉnh để bán ve chai,” chị Trần Thanh kể lại.
Khánh Bình Tây dù là xã ven biển Tây nhưng lại là xã nằm trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, đời sống của người dân vì thế cũng gắn liền với cây lúa, hoa màu…. Cũng chính từ điều kiện đó mà những năm qua, địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu gây nên sạt lở, nước biển dâng… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương.
Ông Đỗ Viết Thảo, ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết những năm gần đây, mỗi khi vào mùa mưa bão, người dân địa phương lại nơm nớp lo sợ cảnh nước dâng cao tràn vào đồng lúa phía bên trong. “Người dân ở đây đa phần canh tác lúa 2 vụ; do đó, khi nước mặn từ biển tràn vào, không chỉ gây thiệt hai cho vụ lúa đang sản xuất, mà còn khiến đất sản xuất bị nhiễm mặn, ảnh hưởng lớn đến việc canh tác những mùa vụ sau,” ông Thảo chia sẻ.
Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tô Quốc Nam, cho biết theo số liệu đo được trong những năm gần đây, triều cường cao trung bình từ 2,5-2,6m, thậm chí có thời điểm cao hơn. Trong khi ở những tuyến đê biển Tây chưa được nâng cấp thì nơi cao nhất chỉ khoảng 1,6m; khi triều cường xảy ra sẽ bị ngập nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
“May mắn ở phía biển Tây chúng ta còn có đê để bảo vệ sản xuất, còn riêng khu vực biển Đông thì tình trạng sạt lở còn diễn ra nghiêm trọng hơn, bình quân mỗi năm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 30-40m. Cá biệt có những điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như ở Hố Gùi lên đến 80m chỉ trong vòng một tháng. Tuy nhiên, tại khu vực này không có hạ tầng, cụm dân cư để so sánh, nên nó lở tới đâu thì chịu mất đất tới đó,” ông Tô Quốc Nam chia sẻ.
Thực tế đáng lo ngại hiện nay là khu vực bờ biển Đông chưa có đê kè bảo vệ, nên sóng biển cứ ngày đêm lấn sâu, tình trạng mất đất, mất rừng là hệ quả tất yếu phải xảy ra. Theo thống kê, trong tổng số 142km bờ biển Đông, có trên 80km đang trong tình trạng sạt lở với nhiều mức độ khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Tẻo, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết gia đình ông ở đây đã 18 năm, thế nhưng chỉ trong mấy năm gần đây gia đình ông đã phải dời nhà 3 lần vì sạt lở. “Lúc đầu, gia đình tôi có 3,6ha đất sản xuất, nhưng do sạt lở, giờ đây chỉ còn vỏn vẹn 1,6 ha. Đời sống kinh tế của gia đình vì thế cũng nhiều bấp bênh,” ông Tẻo ngậm ngùi nói.
Tốc độ sạt lở nhanh hơn khả năng ứng phó
Là tỉnh cực Nam Tổ quốc, Cà Mau được đánh giá là một trong những địa phương nhạy cảm với những “tổn thương” do biến đổi khí hậu gây ra. Bởi, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, Cà Mau đang phải chịu khoảng 17 trong số 22 loại hình thiên tai.
Một hộ dân bị sạt lở nhà xuống kênh. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, chỉ riêng tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông đã làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và trên 230 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tình trạng này đang diễn ra với chiều hướng gia tăng, cả về quy mô, tần suất nên chỉ trong 10 năm gần đây, sạt lở đã làm mất trên 5.200ha rừng ven biển, diện tích bị mất tương đương với một xã của địa phương.
Tình trạng sạt lở hiện nay không chỉ xảy ra tại bờ biển mà đang xảy ra tại khoảng 365km bờ sông, trong đó có khoảng 114km bờ sông bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển. Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền, không chỉ mất đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong và các cụm dân cư ven biển, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở không chỉ tốn kém mà hơn hết là rất khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã bị mất.
“Thực hiện quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của địa phương đến năm 2030. Mặc dù địa phương đã rất cố gắng thực hiện kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, nhưng thực tế cho thấy tác động của biến đổi khí hậu gây sạt lở rất phức tạp, nhanh hơn khả năng ứng phó,” ông Lê Văn Sử nêu thực tế.
Bằng nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ từ Trung ương, hiện Cà Mau đã xây dựng được gần 57km kè bảo vệ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 31,2km, với kinh phí trên 1.200 tỷ đồng để xây dựng kè bảo vệ những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Thực tế, bất chấp những nỗ lực trong triển khai thực hiện các giải pháp công trình, đến nay chỉ có trên 20% chiều dài bờ biển Cà Mau được đầu tư nâng cấp hệ thống đê. Do đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của Trung ương để thực hiện. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè biển những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.
Tác động của biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa, là thách thức lớn lao đối với vùng bán đảo Cà Mau. Mùa mưa bão năm nay đang dần bước vào cao điểm, Cà Mau lại tiếp tục “căng mình” ứng phó trước hiểm họa thiên tai./.
Huỳnh Anh (TTXVN/Vietnam+)