Hạn, mặn kéo dài gây ra nhiều thiệt hại nông dân
Cà Mau là tỉnh cực Nam Tổ quốc, đồng thời là địa phương duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long không thể tiếp cận nguồn nước ngọt từ sông Hậu. Do vậy, tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân lâu nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nước được tích trữ trong mùa mưa.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tỉnh Cà Mau nói riêng đã và đang xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt. Đặc biệt, khi tình trạng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Cà Mau họp bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa (sáng 24/02).
Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 19/02/2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại từ 30 đến 70% là hơn 5.500 ha, thiệt hại trên 70% hơn 12.500 ha; phân theo trà lúa, lúa- tôm hơn 15.900 ha, trà lúa đông- xuân hơn 2.100 ha, lúa mùa hơn 100 ha; rau màu bị thiệt hại là 3,6 ha.
Diện tích bị khô hạn đến nay hơn 42.800ha (trong đó cấp II là 8.160,4ha; Cấp III là 11.450,6ha; Cấp IV là 11.156,3ha; và Cấp V là 12.101,5ha). Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt (chia thành 04 nhóm: Nhóm 01: Đối tượng ở khu vực gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng hơn 6.000 hộ. Nhóm 02: Đối tượng đang sử dụng hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, không đủ nước cung cấp hơn 6.200 hộ. Nhóm 03: Đối tượng ở khu vực dân cư sống thưa thớt, phân tán gần 4.200 hộ. Nhóm 04: Đối tượng ở khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước gần 4.100 hộ.
Bên cạnh đó, mực nước trên các hệ thống kênh mương trong các tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục duy trì ở mức rất thấp và đang tiếp tục giảm, cụ thể: Hệ thống kênh trục từ 0.9 - 1.4m, kênh cấp I mực nước từ 0.5 – 0.7m, trong đó có một số kênh đã khô cạn; kênh cấp II, cấp III hầu hết đã khô cạn (mực nước trung bình nhiều năm từ 1.1 – 1.3m); khu vực rừng tràm U Minh Hạ mực nước hiện nay từ 2.0 – 2.15m (mực nước trung bình nhiều năm trên 3.0m). Mực nước hiện nay trên các hệ thống kênh mương đã xuống rất thấp, trữ lượng sụt giảm từ (50 – 70)% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định: Tỉnh Cà Mau có 03 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa (phải tập trung tiêu) và thiếu nước trong mùa khô.
Khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư "giếng làng" để trữ nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt
Nếu hạn hán kéo dài xảy ra thường xuyên thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng, gây hư hỏng cho các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng là rất cao. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hạn hán, nhập mặn làm thiệt hại rất lớn ruộng lúa của bà con nông dân ở ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau cho biết, biện pháp trước mắt được các cơ quan chuyên môn của tỉnh đề xuất là đưa vào hệ thống sông rạch một lượng nước mặn cần thiết để tạo phản áp lên bờ kênh, khắc phục sụp lún, sạt lở. Thực tiễn hệ thống kênh trong ô thuỷ lợi xã Khánh Hải đã có một lượng nước mặn vào kênh (do sự cố xói đáy cống Trùm Thuật Nam xã Khánh Hải, nay đã đắp đập tạm thay cống), hiện tượng sụp lún, sạt lở không xảy ra như các khu vực khác. Địa phương đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn 7 xã của huyện Trần Văn Thời, có gần 82% (86/105) số hộ dân đồng ý với giải pháp này.
Qua khảo sát tại cống Trùm Thuật Nam hiện tại, cao trình trung bình mặt ruộng từ +0.3m đến +0.4m. Cao trình đáy kênh – 2.5m, cao trình mực nước trong kênh (đã nhiễm mặn) là -1.6m. Như vậy, chênh lệch từ mực nước lên mặt ruộng là từ 1.9m đên 2.0m. Qua khảo sát, quan trắc ngày 20/2/2020 tại cống Trùm Thuật Nam thì độ mặn lòng kênh 17,7‰, đào đất ruộng cách mép kênh 20 m, sâu 02m (mới có nước) có độ mặn 02‰. Chứng tỏ, việc thẩm thấu nước mặn vào đồng ruộng chưa xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, trong khi chờ đợi kết luận về giải pháp trên, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã đề xuất: Nếu giải pháp trên không được thực hiện thì trước mắt cũng phải xử lý cục bộ đối với các công trình lớn (các đường trục, đê Biển Tây). Cụ thể, các cơ quan chức năng cần cô lập, dẫn dòng, đưa nước mặn vào các đoạn kênh liên quan đến công trình hoặc sang lắp cát, đất nâng cao trình đáy các đoạn sông, rạch, tạo phản áp chống sụp lún. Bên cạnh việc chống nước mặn xâm nhập vào nội đồng thì vấn đề cấp ngọt, điều tiết, sử dụng nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất cũng đang được các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau ưu tiên hàng đầu.
Rau màu thiệt hại do hạn, mặn tại ấp 5, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Theo đó, để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho người dân trên địa bàn như ở giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất việc nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưỡng bức (bơm) từ Sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng Bán đảo Cà Mau hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa quy mô lớn ở vùng ngọt (U Minh). Đồng thời chú trọng xây dựng khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư "giếng làng" để trữ nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt./.
Theo baophapluat.vn