Tại Ninh Bình: Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến, Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh có công điện về ứng phó với bão số 2. Theo đó, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra, kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, chuẩn bị phương án tiêu nước đêm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp, rà soát triển khai hiệu quả phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hồ chứa. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý các trọng điểm xung yếu và có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công. Kiểm tra, rà soát, sẵn sang phương án sơ tán dân vùng trũng thấp ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn. Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sang ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại Nam Định: Sáng ngày 3/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.
Trước 15h ngày 3/7/2019, các địa phương phải hoàn thành việc kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố. Yêu cầu các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn hoàn; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 16h ngày 3/7/2019.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản; rà soát thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, có phương án sơ tán khi có lệnh; phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với bão số 2 đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt việc tiêu rút, điều tiết nước ruộng, nhất là ở vùng trũng thấp, vùng mới gieo cấy.
Hiện địa bàn tỉnh Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với trên 5.720 lao động; có 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân. Hiện tất cả ngư dân đã nhận được thông tin về cơn bão và chủ động vào bờ.
Tại Thái Bình: Lúc 7h sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh ông Đặng Trọng Thăng, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN nạn tỉnh cũng đã ban hành Công điện số 03 về phòng, chống bão số 2. Theo đó, nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi, đồng thời tiến hành kêu gọi tàu thuyền vào bờ tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn. Thực hiện di dời dân trên các lều canh ngao vạng, tàu thuyền, ở nhà yếu ven biển vào bờ trước 16h chiều nay. Triển khai chằng chống kho tàng, trường học, cơ quan, nhà cửa đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, tính đến 10h30 ngày 2/7, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.279 tàu, thuyền với 3.643 ngư dân làm ăn trên biển; tất cả các phương tiện đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh có 1.164 chòi canh với 1.281 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.216 đầm với 1.907 lao động nuôi trồng thủy hải sản; 575 lồng cá trên sông; 14.208 hộ với 51.098 người sinh sống ngoài đê chính; 8.476 hộ với 18.231 người sống trong nhà yếu cần có phương án di dời khi cần thiết.
Theo Báo TN&MT