Cần số hóa trong điều hành để chủ động giảm thiểu lũ lụt hạ du sông Ba

Đăng ngày: 06-12-2021 | Lượt xem: 1332
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT-TKCN sau cuộc kiểm tra công tác điều tiết, xả lũ của các hồ thủy điện trên sông Ba và tình hình thiệt hại ở Phú Yên sau đợt lũ lụt vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ, đặc biệt là mưa lũ lớn thì các hồ thủy điện, thủy lợi phải chủ động giảm mực nước xuống để đón lũ. Thế nhưng việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ trên sông Ba trong đợt lũ vừa rồi chưa chuẩn, cần phải xem lại vì trước đó vào ngày 27/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT-TKCN đã có công điện yêu cầu các địa phương thực hiện việc xả nước các hồ chứa để có dung tích phòng lũ. Đến khi lũ lớn thì các chủ hồ thủy điện, thủy lợi nặng về an toàn hồ, đập mà chưa tính toán đến việc hỗ trợ cắt lũ, nên khi một số hồ thủy điện, thủy lợi phía thượng nguồn đồng loạt xả lũ đã gây áp lực lớn đối với thủy điện Sông Ba Hạ.

lt2.jpg -0
Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đợt lũ vừa qua ở vùng hạ du sông Ba rất lớn, xấp xỉ các đợt lũ lụt năm 2019, 2013, với diện tích lưu vực rộng lớn khoảng 13.000km2, có gần 280 hồ chứa lớn, nhỏ, tích nước khoảng 1,6 tỷ m³, thế nhưng chỉ có 6 hồ chứa có chức năng cắt lũ khoảng 530 triệu m3, thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nên đã xảy ra sự cố lũ lụt lớn và điều đáng lưu ý là khi xả lũ đúng vào thời điểm vùng hạ du đạt đỉnh lũ. Vì thế, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa toàn bộ lưu vực sông Ba.

Trường hợp như đợt lũ vừa qua, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu để Trung ương chỉ đạo điều hành xả lũ từng hồ chứa, lưu lượng và thời điểm xả lũ, đảm bảo khi hồ chứa cuối cùng trên bậc thang sông Ba là hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ tránh rơi vào thời điểm đỉnh lũ vùng hạ du dâng cao và thủy triều đang lên nhanh. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu toàn bộ lưu vực sông Ba, ngoài 6 hồ chứa có chức năng cắt lũ sẽ xem xét hồ nào còn có thể tham gia cắt lũ để tăng dung tích phòng lũ khoảng 1 tỷ m3 thì mới có thể bảo đảm cắt lũ ổn định lâu dài cho vùng hạ du.

Liên quan đến việc các hồ thủy điện phía thượng nguồn đồng loạt xả lũ ào ạt nhưng không báo trước, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đã kiểm tra lại thông tin này, trước khi cho phép các hồ thủy điện trên sông Ba ở địa phận Gia Lai xả lũ, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Phú Yên. Trong khi đó, không riêng ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, mà ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên vẫn khẳng định “không nhận được thông báo nào từ phía Gia Lai trong đợt xả lũ vừa qua”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong điều kiện hiện nay có nhiều cách để thông tin nhanh hơn, đặc biệt là khi vận hành xả lũ không thể gửi văn bản hành chính theo đường bưu điện thông thường sẽ không tận dụng được thời gian vàng tính toán xả lũ. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các địa phương giải quyết vấn đề này bằng hai giải pháp. Một là số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành tự động, lúc đó Phú Yên sẽ biết trước các hồ chứa ở Gia Lai vận hành như thế nào, xả lũ lưu lượng bao nhiêu để điều tiết, xả lũ về vùng hạ du. Hai là sẽ tính toán, tham mưu lại để có một quy trình vận hành liên hồ phù hợp hơn, ngoài việc xả lũ xen kẽ, hồ nào đóng, hồ nào xả, lưu lượng xả bao nhiêu, thời điểm nào còn có trách nhiệm của các chủ hồ và lãnh đạo địa phương trong việc cung cấp thông tin xả lũ kịp thời…

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý là mưa lũ ở lưu vực sông Ba bất thường nên chỉ có thể cắt giảm lũ chứ không cắt lũ tuyệt đối. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa thiệt hại cần phải thực hiện đúng quy trình, quy định; thông báo cho người dân 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng tránh thiệt hại. Ngoài ra, còn có một vấn đề quan ngại là một số cửa sông thoát lũ ở Phú Yên bị bồi lấp, dòng chảy thu hẹp, Bộ NN&PTNT sẽ cùng địa phương nghiên cứu tính toán giải pháp khắc phục để đảm bảo thoát lũ, cắt lũ tốt hơn.

“Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định linh hoạt, sáng tạo khi ra lệnh xả lũ với lưu lượng 9.400 m3/giây lúc 15h ngày 30/11. Thời điểm đó các hồ chưa ở thượng lưu xả lũ đồng loạt gây áp lực rất lớn cho an toàn hộ đập thủy điện Sông Ba Hạ. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tính toán 19h tối hôm đó đỉnh triều lên cao nhất, vì thế quyết định xả lũ lúc 15h để có 4 giờ nước lũ thoát ra, tránh được đỉnh triều cao là sự sáng tạo, táo bạo, dũng cảm và chính xác”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.

Nguồn: cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: