Cần tìm kiếm những giải pháp lâu dài

Đăng ngày: 06-05-2020 | Lượt xem: 1378
Đến cuối tháng 4, hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên địa bàn Đắc Lắc, không chỉ gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp mà còn đặt ra nhiều vấn đề trong bảo đảm nguồn nước cho phát triển nông nghiệp.

Giữa cơn đại hạn, chúng tôi có mặt tại các xã: Xuân Phú, Ea Ô và Cư Yang của huyện Ea Kar. Đến đâu cũng thấy hình ảnh sông, suối, ao, hồ cạn kiệt nguồn nước, cây trồng khô héo, nhiều diện tích cà phê, lúa nước đã “chết cháy” vì nắng và không còn nước tưới để cứu vãn. Chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã Xuân Phú Đào Đức Hoàn đến thăm cánh đồng lúa nước của bà con thôn Cao Sơn. Cánh đồng nằm sát bên hồ thủy lợi nhưng nhiều diện tích lúa vẫn khô cháy vì hồ đã cạn kiệt nước từ nửa tháng trước. Được biết, Xuân Phú có 5 hồ thủy lợi thì đến nay chỉ còn một hồ có khả năng tưới chống hạn, nhưng lượng nước còn không đáng kể. Hạn hán đã gây thiệt hại cho 10ha lúa và 200ha cà phê. Nếu khô hạn kéo dài đến giữa tháng 5 thì diện tích cây trồng bị thiệt hại của Xuân Phú sẽ tăng lên gấp hai, ba lần, đồng thời làm hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt, vì hiện nhiều giếng khoan, giếng đào của bà con gần như cạn kiệt nước. Cũng trong tình trạng khô hạn nặng, hai trong 4 hồ thủy lợi ở xã Cư Yang trơ đáy, khiến 25ha lúa và 185ha cà phê của địa phương bị khô héo, nhiều diện tích bị thiệt hại hoàn toàn.

Cần tìm kiếm những giải pháp lâu dài
Hồ thủy lợi thôn 16, xã Cư Prông, huyện Ea Kar (Đắc Lắc) trơ đáy.

Đến thời điểm hiện tại, Ea Kar là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất do hạn hán gây ra. Ông Hồ Tấn Cư, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: “Hạn hán đã làm gần 6.000ha cây trồng thiếu nước tưới, trong đó có 3.167ha cây công nghiệp, chủ yếu là cà phê, 1.800ha lúa nước và gần 1.000ha hoa màu. Nắng hạn cũng khiến 322 hộ dân các xã Ea Sar và Ea Ô thiếu nước sinh hoạt”.     

Vụ đông-xuân 2019-2020, toàn tỉnh Đắc Lắc gieo trồng 290.000ha cây trồng cần tưới nước, trong đó có gần 60.000ha lúa, hoa màu và 204.000ha cà phê. Tính đến ngày 24-4, toàn tỉnh Đắc Lắc có 10.471ha cây trồng bị khô hạn và 2.112 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, nếu hạn hán kéo dài đến cuối vụ thì Đắc Lắc sẽ có khoảng 30.000ha cây trồng bị thiệt hại, 20.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; trong đó diện tích mất trắng khoảng 2.000ha.

Hạn hán đã và đang gây thiệt hại nặng cho nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc, vậy đâu là nguyên nhân? Trước hết, về nguyên nhân khách quan, đó là diễn biến bất lợi của khí hậu thời tiết. Từ tháng 1 đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, tại huyện Ea Kar, tổng lượng mưa đo được chỉ bằng 1,85% so với trung bình nhiều năm, dẫn tới mực nước trên hệ thống sông, suối, ao, hồ bị cạn kiệt; mực nước ngầm cũng xuống thấp, thiếu hụt khoảng 50-70% so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, hệ thống công trình thủy lợi của Đắc Lắc phần lớn là thủy lợi vừa và nhỏ, dung tích thấp và nhiều công trình xuống cấp, dẫn tới khả năng tưới chống hạn kém. Hiện toàn tỉnh Đắc Lắc có 782 công trình thủy lợi, với tổng dung tích 650 triệu mét khối nước. Đến thời điểm cuối tháng 4, Đắc Lắc có 98 hồ thủy lợi cạn kiệt nguồn nước, các hồ chứa vừa và lớn chỉ còn 30-50% dung tích thiết kế. Một số hồ thủy lợi lớn như hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp) còn 13%; hồ Buôn Triết (huyện Lắc) còn 22%; hồ Buôn Hằng 1B (huyện Krông Pách) còn 22%. Nhiều đập dâng, trạm bơm ở các huyện: Lắc, Krông Pách không còn nguồn nước để bơm tưới chống hạn.

Một bất cập nữa, đó là diện tích một số cây trồng cần nhiều nước tưới, nhất là cà phê của tỉnh Đắc Lắc hiện vượt xa quy hoạch. Cụ thể, theo quy hoạch, Đắc Lắc giữ ổn định 150.000ha cà phê, nhưng hiện nay tổng diện tích là 204.000ha, vượt 54.000ha. Nhiều diện tích cà phê trồng ở khu vực không chủ động được nguồn nước tưới nên khi xảy ra hạn hán như hiện nay dễ bị thiệt hại nặng.

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, khí hậu, nhất là hạn hán thường xảy ra gay gắt trong mùa khô, vấn đề đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắc Lắc là: Cần điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, giảm diện tích cây trồng cần nhiều nước tưới, thay vào đó là cây trồng chịu hạn; chuyển đổi diện tích cà phê ngoài quy hoạch sang cây trồng cần ít nước tưới. Về giải pháp lâu dài, Đắc Lắc cần huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống thủy lợi, nhất là các công trình thủy lợi lớn để chủ động nguồn nước. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng để giữ được mực nước ngầm và nước mặt trên hệ thống sông, suối. Mặt khác, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Theo qdnd.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: