Chi Lăng: Chủ động phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại mùa mưa bão

Đăng ngày: 27-06-2023 | Lượt xem: 1501
Năm 2023, xác định thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy, UBND huyện Chi Lăng đã chủ động các phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn về người, tài sản và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Chi Lăng là địa bàn có nhiều vùng có nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất khi mưa bão xảy ra. Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 110 điểm thường xuyên ngập úng; 15 điểm có nguy cơ bị ngập úng; 82 điểm thường xuyên bị sạt lở. Năm 2022, trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng của đợt mưa lớn ngày 10/5 và ngày 6/6 đã gây ra thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, thủy sản, cơ sở hạ tầng… ước tính tổng thiệt hại trên 214 tỷ đồng, đây là huyện chịu thiệt hại nặng nhất do mưa bão (toàn tỉnh là 710 tỷ đồng).

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và cán bộ xã Quan Sơn kiểm tra ngầm tràn trên địa bàn xã

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và cán bộ xã Quan Sơn kiểm tra ngầm tràn trên địa bàn xã

Trước mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã triển khai các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023. Theo đó, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn; triển khai các phương án di dời, sơ tán người dân những vùng có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập sâu.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết: Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai kịp thời đến các tầng lớp Nhân dân. Khi có thông tin về tình hình mưa, bão, chúng tôi sẽ gửi thông báo đến các xã, thị trấn để tuyên truyền trực tiếp đến người dân và qua hệ thống loa truyền thanh để người dân chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân các thôn ven sông, các hồ đập và các thôn vùng trũng, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng và các tình huống khác xảy ra, chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, từ đầu tháng 5/2023 đến nay, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra lồng ghép các điểm trọng yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng tại 6 xã trên địa bàn huyện, dự kiến đến hết ngày 25/6 sẽ tiến hành kiểm tra tại 100% xã, thị trấn. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp kiểm tra 3 hồ, đập trên địa bàn huyện về công tác đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa bão. Tại các cuộc kiểm tra, đoàn kiểm tra các địa điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở, phối hợp với UBND các xã, thị trấn cắm biển cảnh báo. Cùng với đó, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn khắc phục được trên 200 điểm sạt lở, cầu dân sinh bị hỏng tại các xã…

Bên cạnh đó, các đơn vị như: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện, Phòng Kinh tế – Hạ tầng, Trung tâm Y tế huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo đầy đủ lương thực, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời phục vụ nhu cầu người dân khi có tình huống ngập lụt cục bộ xảy ra. Huyện đã chuẩn bị các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT&TKCN gồm: 239 áo phao, 560 phao tròn cứu sinh, 4.700 m dây dù, 1 xuồng bơm hơi cao su; 12 nhà bạt, 4 phao bè, 1 máy phát điện. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng đã chỉ đạo ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án ứng phó trước diễn biến phức tạp của thời tiết.

Ông Hoàng Văn Chích, Chủ tịch UBND xã Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều địa điểm có nguy cơ cao về ngập úng, lũ cuốn như cầu Tung Pha, cầu Khun Dầu, cầu Làng Thượng. Đến mùa mưa lũ, các địa điểm này thường xảy ra ngập úng, chia cắt tuyến đường trong thôn, xã. Vì vậy, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên lưu thông qua các địa điểm trên khi xảy ra mưa bão để đảm bảo an toàn. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống, tổ chức trực ban 24/24 giờ tại những điểm nguy hiểm; vận động Nhân dân gia cố nhà cửa, dự trữ lương thực, nước uống trong mùa mưa bão.

Không chỉ tại xã Quan Sơn, để công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai hiệu quả, kịp thời, UBND các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động tự phòng, chống thiên tai an toàn, hiệu quả. Ông Nông Văn Vắp, khu Tiền Phong, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Xung quanh nhà tôi có dòng sông Thương chảy qua và có nhiều con suối nhỏ, khi mùa mưa lũ đến, nước tại sông, suối dâng lên gây ngập úng hoa màu, nhà cửa. Vì vậy, trước mùa mưa bão năm nay, tôi chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, đồng thời cùng người dân trong thôn thực hiện trồng cây làm rào chắn, quét dọn, khơi thông dòng chảy để hạn chế việc lũ lụt gây thiệt hại hoa màu, nhà cửa.

Tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của của chính quyền địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, công tác phòng, chống lụt, bão của huyện Chi Lăng sẽ phát huy hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi mưa bão xảy ra.

HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/592500-chi-lang-chu-dong-phuong-an-ung-pho-giam-thieu-thiet-hai-mua-mua-bao.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: