Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn) xung quanh chủ đề này.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia
Phóng viên: Tình hình thiên tai trong năm 2020 cho thấy, diễn biến khí tượng thủy văn ngày càng dị thường, cực đoan. Vậy công tác quan trắc, dự báo KTTV đã tập trung hết sức về nhân lực, vật lực như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Văn Khiêm:
Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), các điều kiện thời tiết, khí hậu cực đoan ngày càng trở nên bất thường và khó dự đoán. Chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á nói riêng mà xảy ra ở tất cả các nơi trên thế giới. Bằng chứng là trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến những trận lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, siêu bão diễn ra ở khắp nơi trên Trái Đất. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giám sát, cảnh báo những hiện tượng đó để đưa ra những dự báo phù hợp, cung cấp cho người dân những thông tin kịp thời, có giải pháp ứng phó tránh thiệt hại về người và tài sản.
Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất của ngành KTTV quốc tế cũng như Việt Nam, kể cả với những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… đó là tất cả các yếu tố, hiện tượng KTTV có sự biến động nhanh, bất thường; trong khí quyền các hiện tượng đó tồn tại ở quy mô, không gian, thời gian khác nhau. Về không gian, quy mô có thể ở cấp toàn cầu, khu vực cho đến quốc gia, địa phương; những hệ thống hoàn lưu nhỏ luôn luôn tương tác với nhau, chỉ tồn tại trong vài phút cho đến một tiếng như dông, lốc, sét…; cũng có những hiện tượng tồn tại, xảy ra trong một vài ngày, vài tháng cho đến vài năm như hiện tượng El Nino, La Nina gây ra hạn hán, mưa lũ.
Chính vì các hiện tượng trong khí quyển luôn có quy mô rất đa dạng và tương tác với nhau nên rất khó đoán định. Bản chất ngành Khoa học KTTV là ngành toán lý, phải dùng những phương trình toán để giải lại các quá trình vật lý trong khí quyển. Thực tế bài toán, hệ phương trình trong ngành khoa học KTTV sử dụng hệ phương trình nhiệt động lực học. Để giải được hệ phương trình nhiệt động lực học đó trong các hiện tượng KTTV như bão, lũ, mưa lớn… đến thời điểm này vẫn là một trong 7 bài toán thiên niên kỷ chưa giải được. Đó là lý do tại sao cho đến nay, chúng ta mới đưa ra dự báo chứ chưa đưa ra được những con số thời tiết hai ngày tới hay một tháng tới… chính xác hoàn toàn.
Các hiện tượng khí tượng thủy văn luôn có mối quan hệ diện tiến theo thời gian từ hiện tại đến tương lai. Cho nên đặc thù của ngành là luôn phải theo dõi, giám sát, liên tục từ các diễn biến trong quá khứ đến hiện tại. Từ đó, dựa trên các cơ sở khoa học khác nhau phân tích, đánh giá và đưa ra nhận định xu thế của các hiện tượng này tiếp tục tiến triển hay suy yếu trong tương lai.
Hiện nay, để dự báo được những cơn bão lớn, cường độ mạnh, ngành KTTV Việt Nam phải liên tục cập nhật, vận dụng tất cả kiến thức, công nghệ mới cũng như tận dụng sự phối hợp với các tổ chức quốc tế. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới, luôn luôn có 3 mức theo dõi thiên tai, đó là: Watching (theo dõi), Warning (cảnh báo), Inform (thông báo).
Watching là ở mức theo dõi, thiên tai có thể hình thành hoặc không hình thành; Warning là có khả năng xuất hiện, cần đưa thông tin để chính quyền, người dân chủ động phương án ứng phó; thiên tai đã xuất hiện rồi thì chuyển sang thông báo. Khi đó, tất cả các giải pháp của các cơ quan, chính quyền địa phương phải được triển khai, thực hiện để ứng phó ngay lập tức với nguy hiểm của thiên tai.
Khi thiên tai bão lũ xảy ra là những “đêm trắng” của ngành KTTV. Ảnh: MH
Trung tâm điều hành tác nghiệp KTTV là đầu não cung cấp những thông tin chính thức cho các cơ quan, ban ngành. Để có được những bản tin cho các dự báo viên đang phân tích ở đây đòi hỏi trong tình huống thiên tai, mạng lưới quan trắc, thông tin, xử lý thông tin của ngành KTTV trên toàn quốc từ miền núi đến vùng xa xôi, hải đảo; đòi hỏi tất cả cán bộ, người lao động ngành KTTV trên toàn quốc thực hiện công tác quan trắc, phân tích dữ liệu, truyền tin dữ liệu ở các Đài trạm, cả nơi hẻo lánh xa xôi phải quan trắc liên tục 30 phút hoặc 1 giờ một lần.
Khi thiên tai bão lũ xảy ra là những “đêm trắng” của ngành KTTV, các cán bộ không có thời gian ngủ, nghỉ, liên tục nhiều đêm. Điều đó là bắt buộc để đảm bảo có những số liệu liên tục cập nhật, có cơ sở để đưa ra được những cảnh báo phù hợp, chính xác cho các cấp có giải pháp ứng phó.
Với cơn bão số 9 năm 2020, dựa trên hệ thống quan trắc vệ tinh, radar dọc ven biển như radar tại Tam Kỳ, Quy Nhơn, Nha Trang… liên tục quét hệ thống phản hồi từ hệ thống mây trong hoàn lưu bão để có những tín hiệu, đánh giá về cấu trúc, đặc điểm cơn bão. Từ đó, có thể đánh giá diễn tiến cơn bão đang ở mức nào và sắp tới đặc điểm, cấu trúc, cường độ có biến động ra sao… để đảm bảo cảnh báo tuyệt đối không có sai sót, có những thông tin giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT có cơ sở chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn người dân địa phương có phương pháp phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.
Để đưa ra được những bản tin dự báo KTTV không hề đơn giản dựa trên các trường hay phân tích mô hình toàn cầu, mà đòi hỏi ngành KTTV phải thực hiện bài bản, nghiêm túc theo quy tắc của ngành cũng như Tổ chức Khí tượng thế giới. Trong đó, yêu cầu khi làm dự báo phải tuân thủ, tôn trọng khoa học, phải dựa trên những cơ sở khoa học chắc chắn, từ quan trắc, tính toán mô hình, phân tích đến khả năng tác động để đưa ra thông tin phù hợp giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các cấp chính quyền địa phương có hướng dẫn, ra phương án ứng phó phù hợp.
Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm trong công tác dự báo từ phân tích xử lý số liệu, so sánh đánh giá các phương án dự báo khác nhau, sau đó thảo luận các nhóm đưa ra kết quả, nhận định cuối cùng, chốt bản tin gửi các cơ quan, ban ngành liên quan phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.
Phóng viên: Tất cả những thông tin dự báo, cảnh báo KTTV có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến người dân, thậm chí, cả vùng, miền đất nước. Ông và các đồng nghiệp ở cơ quan dự báo quốc gia phải đắn đo, cân nhắc ra sao để đưa ra những quyết định phù hợp nhất, thưa ông?
Ông Mai Văn Khiêm:
Dự báo thiên tai còn phụ thuộc vào bản chất ngẫu nhiên, khó dự đoán của hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Chính vì vậy, để ra được bản tin phù hợp nhất, tin cậy nhất, trong ngành KTTV thế giới không dùng từ chính xác nhất mà dùng khái niệm tin cậy nhất tức là ít tác động nhất, giảm thiểu thiệt hại nhất đối với xã hội và người dân.
Để ra thông tin cân não như vậy, đòi hỏi ngành KTTV phải có những phương án: phân tích từ các kết quả khoa học, các phương án mô hình, ảnh mây vệ tinh, radar, quan trắc… Trong Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia hiện nay, chúng tôi có hàng trăm phương án tính toán khác nhau, mỗi phương án đó đưa ra những kết quả khác nhau. Từ những kết quả khác nhau như vậy đòi hỏi chúng ta phải có các chuyên gia hiểu biết sâu về các điều kiện khí hậu địa phương, khả năng tương tác với các điều kiện địa hình… để đưa ra được những dự báo, tổ hợp kết quả phù hợp nhất và lựa chọn.
Đặc biệt là với các thiên tai lớn, đòi hỏi ngành KTTV không chỉ dựa vào nội lực mà còn dựa vào sự phối hợp, chia sẻ với bạn bè quốc tế trên tinh thần chung là “giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên thế giới”. Với tinh thần chung đó, trong các thiên tai lớn ở bất kỳ quốc gia nào đều có sự phối hợp chia sẻ thông tin về nhận định, rủi ro thiên tai, diễn biến các hiện tượng thời tiết cực đoạn để có các nhận định tốt nhất.
Phóng viên: Ngành KTTV có hệ thống quan trắc trên cả nước, khi bão về, mỗi một giờ chúng ta có một bản tin, và 30 phút một lần các quan trắc viên phải báo cáo về trung tâm, như vậy chắc chắn sẽ có nguy hiểm đối với những người trực tiếp làm công tác quan trắc bão?
Ông Mai Văn Khiêm:
Trong đợt bão lũ kéo dài hồi tháng 10 đến trung tuần tháng 11 năm 2020 ở miền Trung, có thể nói chúng ta đã vượt qua nhờ tinh thần của người Việt Nam, người làm KTTV. Trên hệ thống lưu vực sông Kiến Giang, Quảng Bình, Lệ Thủy chúng tôi có những trạm quan trắc để đưa ra được đánh giá mực nước ở các trạm đo trên hệ thống sông đó lúc này đang ở mức bao nhiêu; từ đó, ra quyết định ở phía hạ lưu độ sâu ngập như thế nào, diện ngập ra sao. Để có được những thông tin như vậy, đòi hỏi những cán bộ làm công tác phân tích, quan trắc xử lý số liệu ở các trạm đo trên dọc các hệ thống sông phải dùng xuồng, ca nô đi đo và nguy hiểm luôn rình rập.
Đặc biệt, khi bão tiến vào gần bờ phải có các trạm đo ven bờ, trạm tiền tiêu đầu tiên ở các đảo, nơi đặc trưng được các tính chất hệ thống hoàn lưu gió bão; tiếp đến là dọc ven biển là các trạm đo đón gió, đón bão. Những lúc này, khi người dân phải di tản theo yêu cầu của chính quyền địa phương thì các cán bộ làm công tác quan trắc, xử lý thông tin, truyền tin dữ liệu vẫn cố gắng “bám trụ tối đa” trong điều kiện an toàn cho phép để đảm bảo cập nhật số liệu, thông tin thường xuyên đưa về để ra được các bản tin dự báo tin cậy nhất.
Nhìn chung, để ra được thông tin phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, ngành KTTV không chỉ dựa vào một người, một nhóm người nào đó, mà là tổng hòa, kết hợp của rất nhiều hệ thống từ hệ thống quan trắc ở miền núi, miền xuôi, vùng hải đảo xa xôi cho đến hệ thống phân tích, truyền dữ liệu cho đến hệ thống phân tích, dự báo để đưa ra bản tin dự báo cho các cấp chính quyền và người dân địa phương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông