Chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ Nghệ An, Hà Tĩnh

Đăng ngày: 30-10-2020 | Lượt xem: 1305
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đã có công điện khẩn số 33/CĐ-TW ngày 30/10/2020 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ứng phó với tình hình mưa, lũ diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay mực nước lúc 13 giờ ngày 30/10 trên các sông như sau: sông Cả tại Yên Thượng là 8,68m, dưới BĐ3 0,32m; tại Nam Đàn là 6,67m, dưới BĐ2 0,23m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm là 10,37m, trên BĐ1 0,37m; sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt là 8,16m, trên BĐ1 0,66m; sông La tại Linh Cảm là 4,63m, trên BĐ1 0,13m.

Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Cả, sông Ngàn Sâu và sông La tiếp tục lên, sông Ngàn Phố tiếp tục xuống chậm. Dự báo mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,4m, trên BĐ2 0,5m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống mức BĐ1; sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 8,7m, dưới BĐ2 0,3m (với điều kiện tổng lưu lượng xả trên các thủy điện thượng nguồn từ 500-700m3/s); sông La tại Linh Cảm lên mức 5,2m, dưới BĐ2 0,3m.

Đến chiều mai (31/10), mực nước sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,5m, trên BĐ2 0,6m; sông La tại Linh Cảm dao động ở mức 5,3m, dưới BĐ2 0,2m.

Nguy cơ cao ngập lụt tại các vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên.

Để chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đã có công điện khẩn số 33/CĐ-TW ngày 30/10/2020 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tập trung tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Đồng thời kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu; các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và tình hình đê điều; báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.

Đối với dân cư ở các khu vực ngoài bãi sông, vùng ngập lũ, có phương án chủ động sơ tán người và tài sản để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đồng thời, chỉ đạo Đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ./.

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: