Chủ động phòng, chống cháy rừng do nắng nóng gây ra

Đăng ngày: 12-06-2019 | Lượt xem: 1324
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm qua (11-6), nắng nóng và nắng nóng gay gắt đã xảy ra diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ phổ biến trong khoảng từ 36-39 độ C.

Lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu khắc phục hậu quả do mưa lớn sáng 11-6. Ảnh: Công Tuyên (TTXVN)

Dự báo, hôm nay (12-6), khu vực Sơn La, Hòa Bình, đồng bằng và trung du Bắc Bộ trời nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34 - 37oC, có nơi hơn 37oC; Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 39oC, có nơi hơn 40oC.

Từ ngày mai (13-6), mưa dông diện rộng có khả năng xuất hiện ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; riêng vùng núi phía bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông nhiều nơi.

Thiên tai gây thiệt hại tại nhiều địa phương

★ Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày tới, kết hợp độ ẩm trong không khí giảm thấp cho nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao cùng khả năng gây cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Trong ngày hôm nay, chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng tại Hà Nội, Ðà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

★ Cục Kiểm lâm cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra tại các địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Ðịnh, Phú Yên, TP Ðà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An; đồng thời, đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương nêu trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

★ Ngày 11-6, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà cho biết, đám cháy rừng trên bán đảo Sơn Trà đã gây thiệt hại diện tích khoảng 2.000 m2. Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 10-6, trên bán đảo Sơn Trà (TP Ðà Nẵng) xuất hiện đám cháy rừng lớn gần Trạm biên phòng Bãi Bắc. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an TP Ðà Nẵng huy động 10 xe chữa cháy cùng 40 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Sau hơn ba giờ, đám cháy được ngăn chặn.

★ Ðể bảo vệ gần 434.000 ha rừng của tỉnh, nhất là ở các địa phương phía tây như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn khỏi bị cháy trong cao điểm nắng nóng, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý rừng, xác định phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

★ Theo báo cáo ngày 11-6 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, mưa lớn kèm theo dông đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại một số tỉnh. Cụ thể, tại Hà Giang, theo báo cáo ban đầu mưa lớn kèm theo dông lốc, mưa đá trên địa bàn huyện Ðồng Văn đã làm một người bị thương. Ðịa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại và huy động lực lượng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Từ ngày 8 đến ngày 10-6, trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra năm vụ sạt lở, ảnh hưởng nhà cửa của 13 hộ dân, tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng. Ngay khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bước đầu 3 triệu đồng/hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời huy động lực lượng giúp người dân di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn. Do mưa lớn, sáng 11-6, tại Km 13, tỉnh lộ 132 thuộc địa phận xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã bị sạt lở và sụt lún nghiêm trọng. Ðây là tuyến đường huyết mạch nối từ trung tâm huyện Phong Thổ đi các xã biên giới. Các cơ quan chức năng đang huy động nhiều máy móc và nhân lực để tiến hành khắc phục hậu quả, thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

★ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày 10-6, Bệnh xá đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa tiếp nhận hai bệnh nhân là Phùng Thanh Ðược (53 tuổi) và Nguyễn Quang Phục (42 tuổi), cùng quê tại xã An Hải, huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), ngư dân tàu cá QNg 96355 TS. Các bác sĩ chẩn đoán hai ngư dân bị nhiễm độc do ăn cá hồng. Quân y đảo điều trị kháng sinh liều cao phối hợp truyền dịch bù nước cho nên sức khỏe các bệnh nhân dần ổn định, đang được theo dõi điều trị tại đảo.

★ Trong những ngày qua, cuộc sống của nhiều hộ dân tại thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên) bị đảo lộn khi ở đây xuất hiện loại côn trùng lạ. Ngành chức năng tỉnh đã tiến hành các biện pháp phòng, chống và xác định côn trùng bay vào nhà dân là bọ đậu đen. Loại bọ này không gây hại cho cây trồng, chỉ gây ngứa và ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

★ Từ đầu tháng 6 đến nay, tại tỉnh Trà Vinh liên tục có mưa vừa và mưa to, sau cơn mưa lại nắng nóng đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm nuôi. Chỉ trong 10 ngày qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.140 ha tôm nuôi bị thiệt hại, với số lượng gần 600 triệu con giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

★ Theo báo cáo nhanh ngày 11-6 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 127 thôn, 56 xã, phường của chín huyện, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với tổng số lợn tiêu hủy là 2.916 con. Tại tỉnh Quảng Nam, huyện miền núi biên giới Nam Giang là địa phương thứ 13 của tỉnh xuất hiện DTLCP và ngày 11-6, huyện này đã công bố dịch, triển khai biện pháp ngăn dịch lây lan tới các xã biên giới. Tính đến ngày 11-6, trên địa bàn tỉnh Sơn La, đã xuất hiện DTLCP tại 149 thôn, bản, tiểu khu của 57 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thành phố; trong đó, xã Mường Cai, huyện Sông Mã và thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên đã công bố hết dịch nhưng sau đó lại phát sinh dịch. Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, tỉnh đã có 19 xã và huyện Nậm Nhùn công bố hết DTLCP. Ðến nay, DTLCP đã lan rộng ra tất cả các huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai với gần 600 hộ chăn nuôi, tổng cộng có khoảng năm nghìn con lợn mắc dịch phải tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 200 tấn.

★ Ðợt mưa lớn diễn ra trong đêm 10 và ngày 11-6 tại huyện Hòa An (Cao Bằng) đã làm một người chết do sét đánh, 10 ngôi nhà và hàng chục héc-ta ngô, lúa tại các xã Bế Triều, Ðại Tiến, Hoàng Tung bị ngập. Mưa lớn cũng gây ngập úng, tắc nghẽn cục bộ trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xóm Ðà Lạn, xã Bế Triều.

Theo nhandan.com.vn

★ Chiều 11-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xảy ra trên địa bàn thành phố tại một hộ gia đình ở phường Phú Hữu, quận 9. Chi cục Chăn nuôi thú y đã phối hợp với UBND quận 9 tiến hành tiêu hủy đàn lợn 163 con và toàn bộ thức ăn thừa, đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng, rải vôi bột tại khu vực xảy ra dịch và nơi tiêu hủy; triển khai các biện pháp khoanh vùng, bố trí chốt chặn khu vực chung quanh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: