Chủ động phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm

Đăng ngày: 20-01-2021 | Lượt xem: 1681
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ còn tiếp tục có những đợt rét mới, vì vậy, bà con cần chủ động theo dõi thông tin về các đợt rét, từ đó, chủ động che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc.

Gia súc được chống rét tại Hà Giang - Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng

Ngày 20/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang để thị sát tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phòng chống đói rét cho đàn gia súc tại địa phương này.

Mặc dù là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, nhưng trong những đợt rét vừa qua, Hà Giang đã nhanh chóng triển khai các văn bản đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, nhờ vậy thiệt hại được giảm tới mức thấp nhất.

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các xã, thôn bản kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình và hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.

Kết quả, qua rà soát, chuồng kiên cố là 90.000 hộ, chuồng tạm 20.000 hộ. Dự trữ thức ăn được 527.000 tấn (thức ăn tinh 21.700 tấn, thức ăn thô xanh 505.000 tấn). Tổng số hộ ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho trâu, bò là trên 108.000 hộ, chiếm 97,8% tổng số hộ chăn nuôi trâu bò.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong thời gian tới thời tiết sẽ tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại mới, bởi vậy bà con phải luôn luôn chủ động, không lơ là trong việc phòng, chống đói rét cho gia súc. Các cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền, thông báo kịp thời để bà con chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại.

"Nhiệt độ dưới 12 độ C tuyên truyền cho bà con không đưa trâu bò chăn thả. Sau một vài đợt rét, sức khỏe trâu, bò sẽ suy giảm, bởi vậy, bà con cần chủ động về nguồn thức ăn thô, tinh. Về mặt kỹ thuật, đối với trâu vào buổi trưa khi nhiệt độ ấm hơn, bà con nên đưa trâu ra ngoài đi quanh chuồng để phòng chống cước chân cho trâu", ông Chinh lưu ý.

Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ có quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão, lũ. Trong đó, đối với hỗ trợ gia súc, gia cầm:

Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000-20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000-35.000 đồng/con.

Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000-400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 đồng đến 1 triệu đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2 triệu đồng/con.

Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1-3 triệu đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3,1-10 triệu đồng/con;

Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 - 2 triệu đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2,1-6 triệu đồng/con;

Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1-2,5 triệu đồng/con.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: