Chủ động phòng chống hạn hán sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương

Đăng ngày: 08-06-2020 | Lượt xem: 1611
Chiều 8/6, sau hai ngày vỡ đập Bara Đô Lương, tỉnh Nghệ An và các đơn vị chức năng đã cơ bản khắc phục được nhiều mặt như nước sinh hoạt, tập trung chống hạn tại chỗ cho diện tích lúa gieo cấy của các huyện Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu bị ảnh hưởng.

Lực lượng chức năng lắp đặt trạm bơm dã chiến để lấy nước sản xuất tại huyện Đô Lương. Ảnh: TTXVN phát

Thông tin từ Trạm cấp nước huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, đến thời điểm này đã khắc phục được 70% nước sinh hoạt sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương. Trước đó, sự cố vỡ đập làm mất nước toàn bộ gần 8.000 hộ dân tại đây vào ngày 7/6.

Để có nước sinh hoạt trở lại, các công nhân, nhân viên Trạm cấp nước huyện Đô Lương đã sử dụng các máy bơm dã chiến để bơm nước từ sông Đào chuyển lên các khu xử lý nước thô để sản xuất nước sinh hoạt. Ông Võ Đăng Dũng, Trạm trưởng Trạm cấp nước huyện Đô Lương cho biết, hiện, mức nước sông Đào đang thấp nên không thể chảy vào các giếng xử lý nước thô nên phải dùng các máy bơm dã chiến để bơm nước. Hiện tại, nguồn nước sinh hoạt đã cung cấp được cho khoảng 70% trong gần 8.000 hộ tại huyện Đô Lương. Chỉ những khu vực ở cuối nguồn cấp nước mới chưa có nước sinh hoạt trở lại. Đơn vị đã cử người túc trực 24/24 giờ để đảm bảo nguồn cung cấp nước không bị gián đoạn.

Chị Lê Thị Minh, nhà ở khối 7, thị trấn Đô Lương, cho biết, khoảng 8 giờ ngày 8/6, gia đình thấy nước được cấp trở lại. Ngày 7/6, bị mất nước cả ngày. Nắng nóng, việc mất nước ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Hiện tại, khoảng 20.000 ha lúa đã gieo cấy của 3 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu có nguy cơ bị hạn hán nặng nếu 3 ngày nữa không xử lý xong sự cố vỡ đập Bara Đô Lương. Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho biết, vụ lúa Hè Thu năm 2020, toàn huyện đã gieo cấy được 10.600 ha, còn khoảng hơn 2.200 chuẩn bị gieo cấy. Huyện Yên Thành chủ yếu lấy nước từ hệ thống kênh chính Bara Đô Lương.

Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, khoảng 3 - 5 ngày nữa, nếu lượng nước không đủ để chống hạn, nguy cơ rất lớn cho cây lúa. Bên cạnh đó, là địa bàn có nhiều nhà máy nước hoạt động, việc thiếu nguồn nước sẽ ảnh hưởng lớn đến nước sinh hoạt cho các hộ dân tại địa phương. Vì thế, huyện đang tập trung nhiều biện pháp để chống hạn tại chỗ nhưng quan trọng nhất vẫn phải chờ nguồn nước từ đập Bara Đô Lương đổ về.

Chiều 8/6, mực nước sông Đào dâng cao lên 9,2m so với bình thường là 10,5m sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Văn Phượng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Bắc cho biết, đơn vị và các địa phương bị ảnh hưởng về sự cố vỡ đập đang tập trung nhiều biện pháp xử lý hạn hán để đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp như: Vận hành các trạm bơm nước tại các kênh dẫn, rạch ở các địa phương; triển khai các máy bơm dã chiến bơm nước ở các hồ, đập tại chỗ để chống hạn, phục vụ giải quyết khó khăn… các vùng bị ảnh hưởng. Đối với diện tích lúa đã gieo cấy, các địa phương, các xã cố gắng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu. Diện tích lúa chuẩn bị gieo cấy sẽ cho dừng lại, chờ nguồn nước về mới tiếp tục gieo cấy. Đến ngày 11/6, khi xử lý xong sự cố vỡ đập, lượng nước sẽ đổ về vùng hạ du bình thường, kịp thời chống hạn.

Hiện mực nước sông Đào đã dâng cao lên 9,2m so với bình thường là 10,5m. Đơn vị thi công là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp đang nỗ lực khắc phục sự cố vỡ đập Bara Đô Lương. Ba máy múc hoạt động liên tục để dồn, múc đá hộc vào vị trí khoang số 10 và 11 bị vỡ trước đó, đến ngày 11/6 sẽ khắc phục xong hoàn toàn.

Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, sự cố nghiêm trọng vỡ đập Bara Đô Lương tại hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn, huyện Đô Lương dẫn đến thiếu hụt từ 50 - 70% lượng nước chảy vào kênh chính hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An ảnh hưởng khô hạn các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: