Hiện, thế giới chưa có nước nào dự báo được chính xác thời điểm xảy ra hiện tượng thiên tai này. Không giống như các loại thiên tai khác như mưa bão có thể dự báo trước vài ngày thậm chí cả tuần, hiện tượng động đất chỉ có thể được thông báo nhận định về địa điểm, độ lớn khi nó đã xảy ra. Nhiều hiện tượng khác lạ trong tự nhiên cũng đã được ghi nhận trước khi xảy ra động đất như ếch nhái di cư, chó nằm trong nhà chạy ra sân… nhưng không thể dùng những hiện tượng này để khuyến cáo người dân, tổ chức sơ tán được. Tùy thuộc vào hệ thống kỹ thuật, từ lúc phát hiện động đất tới khi ra được bản tin thông báo nhanh cũng phải mất nhiều phút đồng hồ.
Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 1h21 ngày 24-8 tại huyện Kon Plông . Ảnh: Viện Vật lý địa cầu
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam, các trận động đất lớn chủ yếu xảy ra ở phần “Vành đai lửa” Thái Bình Dương (một trong những khu vực xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhiều nhất trên thế giới), đi từ Nhật Bản qua Đài Loan, xuống Philippines rồi qua Indonesia.
Còn trong phạm vi gần hơn với nước ta, nếu động đất mạnh xảy ra ở các nước láng giềng như Trung Quốc (vùng Côn Minh, Vân Nam), Lào (Bắc Lào) có thể ảnh hưởng đến nước ta, nhưng không lớn. Còn Nam Lào và Camphuchia dường như động đất bé nên ảnh hưởng không nhiều.
Việt Nam nằm ở phần Đông Nam của mảng lục địa Âu - Á, giữa mảng Ấn Độ, mảng Philippines và mảng châu Úc. Lãnh thổ Việt Nam không nằm ở rìa các mảng, do vậy ít bị tổn thương bởi động đất so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia. Nhưng trên lãnh thổ và lãnh hải của nước ta tồn tại hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 109-110 độ, do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra ở những khu vực này.
Theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, thực tế, những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt tới 6,7-6,8 độ và tương đương đã được ghi nhận trong lịch sử tại nước ta, trong đó có 1 trận vào thế kỷ 14 và 2 trận vào thế kỷ 20 ở khu vực trên phần Tây Bắc. Cũng theo thống kê trong 10 năm từ 2011-2021 của Viện Vật lý địa cầu, cả nước đã ghi nhận hơn 400 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam, hoặc có ảnh hưởng tới nước ta. Độ lớn của các trận động đất dao động trong khoảng 2,5-6,1 richter.
Dù ít có nguy cơ xảy ra động đất lớn tại Việt Nam nhưng không phải vì thế mà có thể chủ quan, phải luôn sẵn sàng ứng phó bởi thiên tai này có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu. Chúng ta đã có cơ quan chuyên môn là Viện Vật lý địa cầu với hệ thống các trạm đo đạc, quan trắc để kịp thời phát hiện các trận động đất, đồng thời đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo.
Tháng 5-2022 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần, trong đó đưa ra các kịch bản động đất với các khu vực trên cả nước: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên và Nam bộ. Theo đó, bên cạnh khuyến cáo người dân và chính quyền các khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, yêu cầu chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định về Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.
Tạp chí KTTV tổng hợp