Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, tối 10-11, bão số 6 đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13 (thời điểm triều cường ở mức cao trong ngày từ 1,7 đến 2,1m). Bão số 6 chịu tác động của nhiều hình thế chi phối, trên hệ thống 4 cơn bão đang cùng hoạt động, vì vậy di chuyển rất “dị thường”. Bão số 6 hình thành vào cuối mùa bão có tương tác với gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc dẫn tới hướng đi và cường độ thay đổi khá nhanh. Ít có cơn bão nào di chuyển từ Tây sang Đông như cơn bão số 6.
Khi bão đổ bộ đất liền gây sóng cao 4-6m ở ven bờ, nước biển dâng kết hợp triều cường 2-3m. Đối với khu vực từ Bình Định đến Phú Yên (dự kiến bão đổ bộ), sóng cao đạt 5-6m, sâu trong cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sóng cao 3-4m, ven biển tỉnh Phú Yên sóng cao 4-5m. Với tác động sóng cao kết hợp gió mạnh nguy cơ tác động đến khu neo đậu tàu thuyền, bến cảng, đê kè biển. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh nên gây ra mưa to đến rất to từ chiều ngày 9-11 đến 12-11 với tổng lượng mưa 200-400mm, tập trung tại khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện chỉ đạo việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị một số nước, vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng ứng phó với hơn 2.300 phương tiện ứng trực trên đất liền và hơn 150 tàu, thuyền trên biển.
Tính đến 6 giờ, ngày 8-11, các đơn vị BĐBP từ Đà Nẵng đến Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 18 điểm theo quy định và phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 47.330 phương tiện/ 243.063 người biết hướng di chuyển của bão số 6 để chủ động di chuyển tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Đối với BĐBP, Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, Bộ Tham mưu BĐBP đã đôn đốc, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa-Vũng Tàu khẩn trương phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo duy trì liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của bão số 6 để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc về bờ đảm bảo an toàn (đặc biệt, số phương tiện đang di chuyển ở khu vực giữa Biển Đông và neo đậu tại khu vực quần đảo Trường Sa) cũng như các phương án ứng cứu khi bão đổ bộ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tham mưu BĐBP, các đơn vị đã nhanh chóng triển khai công tác ứng phó với bão số 6. Tính đến ngày 8-11, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định đã thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 5.691 tàu/43.179 ngư dân hoạt động ven bờ và neo đậu tại các cảng cá, bến cá trong tỉnh Bình Định. Đồng thời, BĐBP Bình Định duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, triển khai kế hoạch ứng phó bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và giúp dân khi có tình huống xảy ra; chủ động phân công cán bộ bám địa bàn và phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng, chống bão. Các trạm Kiểm soát Biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện khi thời tiết xấu, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển... BĐBP Bình Định cũng đã thành lập 5 đoàn công tác, phân công từng đồng chí trong Bộ Chỉ huy BĐBP trực tiếp tăng cường địa bàn và chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Tại Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai cho các đài canh tìm kiếm cứu nạn phối hợp với đài canh cộng đồng và gia đình chủ phương tiện kêu gọi ngư dân nhanh chóng tìm nơi tránh trú; tổ chức trực 2 đội cơ động và 3 tàu, ca nô sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra; thống kê nắm chắc số lượng người, phương tiện đang hoạt động trên biển và số lượng phương tiện đã vào bờ neo đậu.
Tại Bình Thuận, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thông báo cho ngư dân, chủ phương tiện về thông tin cơn bão số 6; yêu cầu các đơn vị mở đài canh 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão. Tính đến ngày 7-11, Bình Thuận có 2.210 tàu, thuyền/9.758 lao động đang hoạt động trên biển đều giữ thông tin liên lạc với các đồn Biên phòng. Cùng với đó, BĐBP Bình Thuận phối hợp với các ban, ngành địa phương tiến hành rà soát, lên kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sóng biển, gió mạnh, triều cường, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở do mưa, lũ; giúp dân gia cố, chằng buộc bè nuôi thủy sản...
Theo bienphong.com.vn