Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hệ thống quan điểm lý luận, tư tưởng của Đảng về vấn đề biến đổi khí hậu, tài nguyên, môi trường tiếp tục được phát triển, hoàn thiện. Vì vậy, việc tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW cần dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, thực tiễn theo quan điểm phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có sự gắn kết hữu cơ, chặt chẽ giữa ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội, môi trường.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) tập trung cao độ, kiện toàn nhân sự để hoàn thiện Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW bảo đảm chất lượng cao nhất. Trong đó chú ý kết quả thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết bằng các văn bản pháp luật, có sự so sánh chỉ số, thứ hạng quốc tế, lượng hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng chỉ tiêu cụ thể; làm rõ sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh trong nước, quốc tế so với thời điểm ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW với sự xuất hiện những vấn đề, xu thế mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức, net zero…
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, tăng trưởng nền kinh tế bước đầu có chuyển biến theo hướng xanh hơn. Việc lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vào các chiến lược, quy hoạch phát triển tiếp tục được đẩy mạnh. Chính sách, pháp luật về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng hoạt thiện, chuyển sang chủ động kiểm soát các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phát triển rừng đạt nhiều kết quả tích cực. Số lượng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đã tăng lên. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng lên hàng đầu khu vực và dần tiệm cận với các nước tiên tiến ở châu Á. Việt Nam đã tham gia tích cực cùng với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng. Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đạt được nhiều kết quả quan trọng, bền vững và hiệu quả hơn. Các nguồn năng lượng tái tạo có bước phát triển vượt bậc...
Đáng chú ý, nhiều mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Nghị quyết 24-NQ/TW đã đạt và vượt như: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra; giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP từ 8-10% so với năm 2010; bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế, xã hội; giữ và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất chuyên trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp; tiêu hủy, xử lý trên 85% chất thải nguy hại; kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh…
Tuy nhiên, năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động phát thải khí nhà kính còn hạn chế; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là tại các cụm công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề. Ô nhiễm biển do nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa xảy ra ở nhiều địa phương. Ngập úng do triều cường, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển còn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu điều tra cơ bản, lập quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên còn nhiều bất cập, hạn chế...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, công tác ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là vấn đề rất khó và phức tạp. Vì vậy, công tác tổng kết cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn chiến lược dài hạn đồng bộ, khả thi với các giải pháp trong trung hạn, trước mắt, cấp bách; gắn với huy động nguồn lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, nhà nước, doanh nghiệp, người dân và toàn thể cộng đồng, xã hội, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đã góp ý về nội dung, yêu cầu chất lượng báo cáo tổng kết; phương án đề xuất, kiến nghị sau khi hoàn thành tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW...