ĐBSCL gồng mình chống hạn, mặn

Đăng ngày: 01-03-2020 | Lượt xem: 2943
Từ đầu tháng 2-2020 đến nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL phải gồng mình chống hạn hán, xâm nhập mặn. Mùa khô 2019-2020 được nhận định khốc liệt hơn mùa khô 2015-2016, dù chính quyền địa phương và người dân đã rất chủ động trong ứng phó, nhưng thiệt hại do hạn, mặn vẫn xảy ra. Đồng thời việc Trung Quốc xả nước trên các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong được các nhà khoa học nhận định khó có thể giải vây cho ĐBSCL trong hiện tại.

Cống ngăn mặn trên sông Láng Thé, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: L.An

Hạn, mặn bủa vây

Hạn, mặn bủa vây nhiều địa phương ĐBSCL, các tỉnh như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre… đang lâm vào cảnh thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Ghi nhận của phóng viên tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, nông dân đã gieo sạ được hơn 13.700ha lúa Đông Xuân muộn. Tuy nhiên, hầu hết các kênh thủy lợi nội đồng đã cạn nước, mực nước ở các kênh cấp 2, cấp 3 cũng đang tiếp tục xuống thấp, khiến cho khoảng 2.200ha lúa Đông Xuân muộn trên địa bàn huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng. Còn tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, gần 500ha lúa Đông Xuân không thể xuống giống được do thiếu nước. Để bảo vệ diện tích lúa mới hơn 20 ngày tuổi, nhiều hộ dân và chính quyền địa phương phải bơm chuyền nước dẫn vào ruộng.

Tại tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất xảy ra gay gắt trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 1-2020 đến nay, khiến cho gần 17.000ha lúa và hơn 3.400 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ vậy, hiện có hơn 42.000ha rừng tập trung ở các xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận, Nguyễn Phích thuộc huyện U Minh, đối diện với nguy cơ cháy, trong đó có hơn 3.000ha rừng dự báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm.

Ở Sóc Trăng, gần 1 tháng nay, nhiều hộ nông dân ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú đứng ngồi không yên khi ruộng lúa đang dần bị khô héo. Ông Thạch Hiền, ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, nói: “Cách nay khoảng nửa tháng, hơn 3 công lúa của gia đình còn xanh mướt, mà nay đã chuyển dần qua màu vàng. Cứ đà này, gia đình tôi sẽ thất thu vụ Đông Xuân muộn”. 

Hạn hán khiến nhiều tuyến sông, rạch ở huyện Long Phú, Sóc Trăng khô nước.

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Dù chính quyền đã tuyên truyền, khuyến cáo không nên gieo sạ vụ Đông Xuân muộn, nhưng nông dân vẫn xuống giống khoảng 3.700ha, giảm trên 11.000ha so với năm 2019. Đến nay, đã có hàng trăm héc-ta lúa của người dân bị ảnh hưởng do hạn, mặn và trong thời gian tới, diện tích bị ảnh hưởng sẽ còn tiếp tục tăng”. Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, nếu tình hình hạn, mặn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, sẽ có khoảng 600ha lúa Đông Xuân muộn, 4.000ha cây ăn trái và 1.000ha rau màu của người dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, hiện nay nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân ở huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh đang bị ảnh hưởng do độ mặn tăng cao, có nơi lên đến 18,4‰. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 11-2-2020, triều cường từ biển Tây lên cao, làm vỡ 4 đập cải tiến ở một số xã của huyện Long Mỹ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hàng chục héc-ta lúa Đông Xuân muộn của người dân đang trong giai đoạn làm đòng đến chuẩn bị trổ bông, do thiếu nước ngọt bổ sung.

Trữ ngọt, ngăn mặn để giảm thiệt hại

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành và địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống hạn, mặn sát với tình hình thực tế. UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thống kê, hỗ trợ, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt; triển khai giải pháp trữ ngọt, ứng phó với xâm nhập mặn; đưa các trạm đo mặn tự động vào hoạt động để cung cấp thông tin độ mặn cho người dân biết, ứng phó giảm bớt thiệt hại.

Các sở, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã vận hành đóng, mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng; tích trữ nước đảm bảo sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo mở cống Giá Rai và cống Hộ Phòng để kéo khối nước mặn tại ngã tư Ninh Quới về hướng Phước Long, kết hợp xả nước mặn bị ô nhiễm để hạn chế mặn xâm nhập qua ngã tư Ninh Quới. Đồng thời, phối hợp với thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) mở cống Năm Kiệu, Cống Đá để lấy nước ngọt về Bạc Liêu. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng khuyến cáo nông dân gia cố bờ bao để giữ nước, bơm trữ nước ngọt lên ruộng khi độ mặn xuống thấp, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm. Diễn biến mặn ngày càng phức tạp, tỉnh Tiền Giang phải tổ chức 9 điểm bơm, với 38 thuyền bơm; các địa phương cũng tổ chức bơm chuyền 410 điểm, với 1.268 máy… bơm nước ngọt cho các vùng sản xuất đang chịu ảnh hưởng hạn mặn và lấy nước sinh hoạt.

Trong tuần qua, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã kiểm tra tình hình hạn, mặn tại các tỉnh vùng ĐBSCL. Nhiều địa phương đã có sự chủ động từ cuối năm 2019 nhằm giảm thiệt hại. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, để ứng phó với mùa khô 2019- 2020, từ tháng 7-2019 địa phương đã chuẩn bị. Hiện tại, toàn bộ 55 cống đổ ra biển Tây Nam đều đang được vận hành linh hoạt để ngăn mặn, khi độ mặn giảm dưới mức cho phép, sẽ vận hành hết công suất các máy bơm để lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh Kiên Giang đã chủ động triển khai đắp 196 con đập vào thời điểm thích hợp nên những thiệt hại mà hạn, mặn gây ra chưa nhiều... Nhưng tất cả chỉ là giải pháp tình thế, căn cơ lâu dài, cần tính toán toàn diện hơn.

Khó chờ nước thượng nguồn

Trung Quốc xả nước trên các đập ở thượng nguồn Mekong để giảm bớt hạn hán cho các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong. Song, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, dù Trung Quốc có xả nước, vẫn chưa thể giải vây cho ĐBSCL trong bối cảnh thiếu nước như hiện nay. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng: Chắc chắn là việc xả nước này của Trung Quốc không có tác dụng đối với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL trong những ngày qua. Bởi vì, năm 2016 Trung Quốc đã xả rồi nhưng cũng không cải thiện; trong khi lưu lượng nước kỳ này còn thấp hơn so với năm 2016. Cụ thể, tháng 3-2016 Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng từ 1.100m3 lên 2.190m3/giây theo yêu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay Việt Nam không có yêu cầu nhưng Trung Quốc xả nước từ 850m3 tăng lên 1.000m3/giây. Như vậy, với lưu lượng nước này không có tác dụng đối với vùng ĐBSCL.

Người dân tích nước trong mương vườn phục vụ sản xuất tại tỉnh Hậu Giang.

Theo Ths Nguyễn Hữu Thiện, năm nay tình hình có khác khi đập Xayaburi đã vận hành. Vì vậy, việc xả nước này chỉ có ý nghĩa ở đoạn ranh giới giữa Lào, Thái Lan hơn là đối với ĐBSCL. Năm nay là năm cực đoan, giống với năm 2016. Đối với năm cực đoan thì phải ứng xử theo tình huống. Năm 2020, ngành Nông nghiệp đã làm rất tốt việc này, từ ngày 19-7-2019 đến nay, liên tục cảnh báo về hạn, mặn nên năm nay thiệt hại không nhiều, nhưng sẽ có khó khăn, nhất là nguồn nước sinh hoạt của người dân ven biển.

PGS TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, cũng cho biết thông tin Trung Quốc xả nước đập thủy điện, nhưng lượng nước đó quá ít và dọc theo tuyến sông có nhiều đập khác nữa, nên cũng khó cứu được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cho ĐBSCL hoặc nếu có đi chăng nữa thì cũng chậm. Việc xả đập này chỉ có tác dụng đối với các nước ở trên, gần Trung Quốc là chính. Vì vậy, ĐBSCL cần chủ động và chuẩn bị cho tương lai vì hạn hán, xâm nhập mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Cụ thể như chủ động né vụ, sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước, trữ nước... chứ đừng quá trông chờ vào việc xả nước ở thượng nguồn.

Theo PGS TS Nguyễn Hiếu Trung, các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang… ít nhiều được bổ sung nguồn nước từ thượng nguồn, nhưng tỉnh Cà Mau thì dường như không có. Vậy giải pháp căn cơ là lượng mưa ở Cà Mau nhiều nên phải tranh thủ trữ nước ở những khu vực trữ nước mà ưu tiên nhất là trữ nước để phục vụ sinh hoạt của người dân. Đối với sản xuất, tỉnh Cà Mau chuyển hẳn qua nuôi trồng các loài nước lợ, nước mặn; còn nếu tiếp tục làm lúa thì sẽ thiệt hại.  

PGS TS Nguyễn Hiếu Trung cho rằng, cần tính toán cụ thể việc liên kết liên vùng, liên tỉnh trong quản lý, sử dụng nguồn nước. Thứ nhất, với vai trò trong Ủy hội sông Mê Công, Nhà nước cần có tiếng nói để thống nhất giữ được dòng chảy vào mùa khô trung bình của sông Mekong. Các địa phương ĐBSCL phải chủ động quy hoạch lại tổng thể của đồng bằng, theo các tiểu vùng để có giải giáp tích nước, trữ ngọt, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng phù hợp cho từng vùng. Khi nguồn nước đã ít rồi thì phải tính hiệu quả kinh tế, ví dụ với lượng nước này thì có thể sản xuất được bao nhiêu lúa, cá, tôm… Phải sử dụng nước một cách tối ưu.

Theo baocantho.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: