Người dân vùng Chợ Lách (Bến Tre) trữ nước để tưới hoa kiểng. Ảnh: TÍN HUY
Con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn - lợ. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; cần được hiện thực hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, nhất là giải pháp liên kết vùng, nương theo tự nhiên.
Chủ động trữ ngọt
Trước tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt, nhiều địa phương đã chủ động các phương án tích trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
Tại Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri được vận hành đưa vào sử dụng, phần nào đảm bảo được nguồn nước cho người dân. Hồ chứa nước ngọt có thể tích khoảng 860.000m³, công suất khoảng 15.000m³/ngày đêm, đủ cung ứng cho khoảng 200.000 người trên địa bàn thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Từ việc chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ cho bà con trong những ngày qua, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho xây dựng thêm 2 hồ chứa nước ngọt khác trên địa bàn huyện Ba Tri và Bình Đại.
Còn tỉnh Vĩnh Long cũng đã hoàn thành cống ngăn mặn Vũng Liêm ngay từ đầu năm 2020 (sớm hơn kế hoạch 6 tháng). Công trình này đã kịp thời ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ trực tiếp cho 11.000ha và gián tiếp cho gần 70.000ha lúa.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá: “Công trình này là cơ sở hạ tầng quan trọng, có ý nghĩa liên kết vùng giữa Vĩnh Long và Trà Vinh. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh các giải pháp thích ứng và chung sống với biến đổi khí hậu; địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện để kết nối phục vụ nông dân tưới tiêu”.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho gần 80.000ha cây ăn trái và hơn 1,7 triệu người dân trên địa bàn tỉnh, Tiền Giang đã xây dựng kịch bản ứng phó cho từng khu vực, từng vùng dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã vận hành các trạm bơm, tổ chức bơm chuyền trữ nước trên các kinh nội đồng và vận động nhân dân tích cực bơm trữ tối đa trên ruộng, ao; tổ chức vận hành lấy nước qua cống Xuân Hòa để trữ nước trên kênh trục chính, tổ chức 9 điểm bơm với 38 thuyền bơm, công suất bơm trên 85.000m³/giờ, tổng lượng nước bơm đạt gần 23 triệu m³.
Còn đối với khu vực nằm ngoài phạm vi phục vụ của các trạm bơm, các địa phương đã tổ chức bơm chuyền tại 410 điểm với trên 1.200 máy; vùng dự án Bảo Định, tỉnh đã kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn, đắp các đập, các cống và ngày 8-2, tiến hành đắp đập thép ngăn mặn tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành; phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập và các cống trên quốc lộ 62 để bảo vệ sản xuất giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Trước dự báo tình hình hạn mặn có thể diễn ra khốc liệt, Sóc Trăng khuyến cáo người dân tích cực trữ nước ngọt trong các kênh mương, đảm bảo đủ cung cấp cho cây lúa đến giai đoạn trổ đòng; kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước vào đồng ruộng.
Đối với vùng kênh Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh phối hợp với tỉnh Bạc Liêu trong việc vận hành cống, theo dõi chặt chẽ lịch đóng, mở cống để thông báo kịp thời cho người dân chủ động bơm trữ nước vào ruộng trước khi mặn xâm nhập; chỉ đạo sử dụng loại cây trồng phù hợp với vùng hạn mặn, cây cần ít nước, sử dụng màng phủ nhằm giữ ẩm cho đất, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm...; khi có nguy cơ bị hạn, mặn, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ, màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây.
Quy hoạch lại nguồn nước
Theo các chuyên gia, những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, giờ nên chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm. Về lâu dài, để thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn, mặn, trước hết cần tiếp cận linh hoạt đối với quy hoạch sử dụng đất. Ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của ĐBSCL ở tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu, dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở vùng lõi, vành đai và các khu vực trồng lúa bình thường khác. Bên cạnh nước ngọt, cần xem nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển. Tránh ngăn mặn bằng cách can thiệp thô bạo như đã làm. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa - kinh tế, chính trị của đồng bằng.
Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, đã đến lúc ĐBSCL cần xem xét nghiêm túc chuyện bỏ diện tích sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) ở khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên để tái tạo lại 2 túi nước ngọt điều tiết cho cả vùng trong mùa khô. Sự xâm nhập mặn dần thích ứng được bằng cách chuyển đổi sang hệ thống canh tác mặn, có thể mang lại lợi nhuận cho người dân cao hơn canh tác lúa. Ở ven biển nên canh tác luân canh lúa - tôm; một vụ lúa trong mùa mưa có nước ngọt, và vụ tôm trong mùa mặn. Chúng ta cần đầu tư những công trình vừa phải, ở cấp địa phương, để kiểm soát mặn theo mùa và đầu tư giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đồng thời, xây dựng hệ thống cảnh báo hiện đại để thông tin sớm đến với người dân trong vùng.
Vùng ĐBSCL là khu vực có độ lan tỏa và độ nhạy khá cao, đặc biệt là độ lan tỏa của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản đến chính nó và các vùng khác. Môi trường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nếu chỉ lao vào tăng trưởng GDP sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, từ đó ảnh hưởng ngược lại đến GDP. Hạn hán và ngập mặn không chỉ đối với ĐBSCL mà còn có thể xảy ra với các vùng khác, dù với bất kỳ lý do chủ quan hay khách quan cũng đều rất cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, không chỉ với riêng Bộ NN-PTNT. TS BÙI TRINH, chuyên gia kinh tế |