Do khối lượng đất thải nhiều, không thể vận chuyển đi nơi khác nên gia đình bà Đoàn Thị Yến, ở xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) chỉ có thể giật cấp, hạ độ cao tạm thời ta luy dương.
Đi dọc tuyến đường tỉnh (ĐT) 269D, đoạn qua xã Khe Mo (Đồng Hỷ), không khó để bắt gặp cảnh những ngôi nhà nằm sát với ta luy dương cao từ 5-20 m. Vào mùa mưa, nguy cơ sạt lở ở các khu vực này là rất cao. Bà Đoàn Thị Yến, ở xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo, chia sẻ: Nhà ở của gia đình tôi chỉ cách Ta Luy Dương 2m. Năm 2022, khu vực này đã bị sạt lở khoảng 30 m3 đất, gây hư hỏng phần cửa sau của ngôi nhà. Sau đó, chúng tôi đã làm đơn xin chính quyền cho phép hạ độ cao ta luy dương, nhưng chỉ được san gạt tại chỗ, không được vận chuyển đất thải đi nơi khác. Do vậy, ta luy dương vẫn dựng đứng, nguy cơ sạt lở rất lớn.
Khó khăn trong việc giật cấp, hạ độ cao Ta Luy để chống sạt lở của gia đình bà Yến cũng là vấn đề chung của hàng trăm hộ dân ở xã Khe Mo. Ông Đoàn Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với địa hình chủ yếu là đồi núi nên khoảng 40% số hộ dân trong xã có nhà ở nằm dưới chân đồi, núi. Thời gian qua đã có hàng chục hộ xin được giật cấp, hạ độ cao ta luy để chống sạt trượt. Tuy nhiên, với khối lượng đất thải lên đến hàng nghìn mét khối, các hộ này không thể san gạt tại chỗ mà phải vận chuyển đất thải đi nơi khác. Theo quy định hiện hành, đất là khoáng sản, không thể vận chuyển đi nơi khác, nên hầu hết các hộ chưa thực hiện được.
Cũng giống như Khe Mo, xã Yên Ninh (Phú Lương) có diện tích đồi núi chiếm gần 80% nên hầu hết người dân làm nhà ở ven đồi, núi. Vào đầu tháng 7 vừa qua, sau trận mưa to, đất đá trên ta luy dương đã sạt lở vào gia đình ông Hoàng Văn Thuyết ở xóm Đồng Danh, gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, cho hay: Tại địa phương có khoảng 300 hộ nằm dưới chân ta luy dương cao từ 5m trở lên. Mặc dù đã biết nguy cơ sạt lở gây mất an toàn, nhưng thẩm quyền cấp xã cũng không thể giải quyết cho người dân được san gạt, giật cấp ta luy dương.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 hộ dân thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Trong đó, các địa phương vùng núi như Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ… có hàng nghìn hộ làm nhà ở, sinh sống dưới chân đồi, núi - khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng một số khu tái định cư để di dời người dân vùng ngập lụt, lũ quét, bán ngập, vùng sạt lở đến nơi an toàn. Tuy nhiên, với số lượng hàng nghìn hộ có nhà ở nằm dưới chân đồi và ta luy dương thì việc hạ độ cao, giật cấp là giải pháp hiệu quả nhất. Mặc dù vậy, việc vận chuyển đất thải của người dân trong quá trình hạ độ cao, giật cấp ta luy dương hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Theo quy định hiện hành, đất là khoáng sản, việc vận chuyển đất khỏi khu vực là vi phạm pháp luật. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân ở nhiều địa phương cũng đã kiến nghị các cấp, ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc vận chuyển đất thải trong quá trình san gạt, hạ độ cao ta luy dương. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản, chính sách nào cho phép thực hiện việc này nên chúng tôi vẫn chưa thể tháo gỡ khó khăn cho bà con. Việc có thể làm hiện nay là chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo tình trạng sạt lở đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực chân đồi núi, ta luy dương...