Vết nứt trên mặt đê tả sông Đáy có chiều rộng từ 3 - 5cm, chiều sâu từ 25 - 30cm. Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo ghi nhận của PV Báo NNVN, ngoài đoạn đê tả Đáy có chiều dài 269m đã xảy ra sự cố nứt dọc mặt đê ngày 8/6, trên tuyến đê chạy qua địa bàn 2 xã Thanh Hải và Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cho đến ngày 29/6 vừa qua đã xuất hiện thêm 5 vết nứt khác.
Vết nứt dọc giữa mặt đê kéo dài theo chiều dài tuyến đê. Chiều rộng vết nứt từ 3-5 cm và có độ sâu trung bình khoảng 15 – 25 cm. Hai bên mái thượng, hạ lưu cũng xuất hiện một số vết nứt dọc theo mái đê tuy nhiên không xảy ra hiện tượng sạt, trượt.
Ông Vũ Mạnh Văn cảnh báo với mức độ sự cố như này nếu có lũ lên thì hiện tượng sạt trượt có khả năng dẫn đến vỡ đê là có thể xảy ra. Ảnh: Phạm Hiếu.
Tuyến đê khu vực xảy ra sự cố có mặt đê rải đá cấp phối rộng khoảng 3,5m, cao trình mặt đê từ 6,2 - 6,5. Hệ số mái thượng lưu từ 1,6 - 1,8, hạ lưu từ 2,5 - 2,8. Thượng lưu có cơ thấp, thoải, sát cơ có đầm ao với mực nước thấp. Hạ lưu có cơ rộng khoảng từ 3 - 5m, sát chân đê là ruộng và nhà dân. Đoạn đê xảy ra sự cố cách bờ sông Đáy khoảng từ 100 - 170m.
Trao đổi với Báo NNVN, ông Trần Ngọc Hưng, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Thanh Liêm cho biết: “Qua công tác kiểm tra theo dõi, ngày 8/6 vừa qua, Hạt Quản lý đê Thanh Liêm đã phát hiện hiện tượng nứt dọc mặt đê và nhiều vết nứt ở hai bên mái đê thượng lưu và hạ lưu. Chiều rộng vết nứt từ 3 - 5cm, chiều sâu từ 25 - 30cm, và các vết nứt ở hai bên mái đê xuất hiện nhiều, dày chi chít.
Với sự cố như thế này nguy cơ xảy ra vỡ đê rất cao, đặc biệt là trong mùa mưa bão đến gần hoặc có khả năng xảy ra sạt trượt, sau đó dẫn đến vỡ đê.”
Theo nongnghiep.vn