Nhận được tin báo của chính quyền địa phương về việc hàng chục hộ dân sinh sống trên địa bàn các xã Xuân Lâm, Xuân Phú (huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đang bị cô lập bởi nước lũ, rạng sáng 10-11, tuy trời vẫn mưa xối xả nhưng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Đỗ Trọng Thuận, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Sông Cầu, lực lượng cứu hộ với 2 chiếc ca nô chuyên dụng đã nhanh chóng lên đường ứng cứu. Trong đêm tối, đường sá, địa hình, địa vật bị nước lũ nhấn chìm, cây cối gẫy đổ ngả nghiêng khiến việc di chuyển lực lượng, phương tiện gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. Song với tinh thần nỗ lực, khẩn trương giúp dân, đến rạng sáng 11-11, LLVT đã đưa được 87 người dân, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai, người già và trẻ em đến nơi sơ tán an toàn. Tại xã Xuân Đài, sau một đêm không ngủ, lực lượng tăng cường gồm 60 cán bộ, chiến sĩ cùng 2 ca nô, thuyền máy do Bộ CHQS tỉnh Phú Yên điều động xuống Sông Cầu cũng đã di dời được gần 300 người dân cùng nhiều tài sản, vật nuôi đến nơi tránh trú.
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lăk (Đắc Lắc) sơ tán người dân xã Đăk Liêng đến nơi tránh trú an toàn. |
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão số 12, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có hàng chục nhà dân bị tốc mái và đổ sập, hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản và 2 tàu cá công suất nhỏ bị đánh chìm, gây hư hỏng nặng. Mưa lớn suốt nhiều giờ cũng khiến hàng trăm hộ dân tại một số thôn bị ngập sâu trong nước, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Trước khi bão đổ bộ, Ban CHQS huyện Vạn Ninh đã huy động tối đa lực lượng tham gia giúp dân chằng chống nhà cửa, sơ tán tài sản, hoa màu, vật nuôi đến nơi cao ráo. Quyết tâm không để người dân bị đói, bị rét do mưa lũ, từ 22 giờ ngày 9-11 đến chiều 10-11, gần 100 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, do Thiếu tá Võ Phạm Bá Linh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Vạn Ninh chỉ huy, với hàng chục ca nô, thuyền máy, thuyền thúng đã kịp thời có mặt, tiếp tế lương khô, nước uống, mì tôm cho các hộ dân. Riêng các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại xã Đại Lãnh được bộ đội, công an, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hỗ trợ đến tránh trú an toàn tại các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn.
Nằm cách tâm bão hàng trăm cây số, song do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, từ sáng sớm 11-11, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn các huyện M’Đrăk, Krông Bông, Lăk (tỉnh Đắc Lắc) liên tục dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập sâu. Để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng địa phương đã cắm biển, cử người túc trực, hướng dẫn, cảnh báo, không cho người dân và các phương tiện lưu thông tại một số đoạn trũng thấp trên Quốc lộ 26, 27.
Sáng 11-11, Trung tá Võ Văn Giáp, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Lăk cho biết, trong hai ngày 10 và 11-11, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tổ chức sơ tán hơn 400 hộ dân trên địa bàn các xã Yang Tao, Đăk Liêng và thị trấn Liên Sơn đến nơi tránh trú an toàn. Với 20 cán bộ, chiến sĩ cùng 1 thuyền máy công suất lớn, chỉ trong buổi sáng, Ban CHQS huyện đã sơ tán được 70 hộ dân (420 nhân khẩu) tại buôn Rênh A, buôn Rênh B ra khỏi vùng ngập lụt.
Chỉ vào những vệt nước bùn còn loang lổ trên khu cửa sổ nhà sàn, chị H’Nhi Je (38 tuổi, người dân tộc Mông, trú tại xã Đăk Liêng) cho biết: “Tôi bị tai nạn gãy chân phải ngồi xe lăn cả chục ngày nay. Thế nên lúc bộ đội đến nhà vận động đi sơ tán, thấy trời đã ngớt mưa nên vợ chồng tôi không muốn đi. May mà mấy chú cương quyết, nếu không chẳng biết sẽ ra sao. Sáng nay nước rút, bộ đội cho người đến tổng dọn vệ sinh sạch sẽ rồi mới ra xã đón vợ chồng tôi về nhà”.
Đang tất bật giúp cô trò Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ dọn vệ sinh, bùn đất sau mưa lũ, trò chuyện với chúng tôi, Đại úy QNCN Y Khôn Du, trợ lý dân quân Ban CHQS huyện Lăk, cho biết: “Quá trình khảo sát địa bàn trước bão, nhận thấy quả đồi phía sau ngôi trường này có nguy cơ sạt lở rất cao, chúng tôi đã kịp thời tham mưu với lực lượng chức năng địa phương cho các em học sinh tạm thời nghỉ học, đồng thời tổ chức lực lượng khẩn trương sơ tán 15 hộ dân trong khu vực đến nơi tránh trú. Công việc hoàn tất lúc chiều thì đến đêm, cả một vạt đồi dài gần 70m, cao hàng chục mét bất ngờ đổ sập. Hiện nay, bộ đội, công an, dân quân đang nỗ lực thu dọn bùn đất, vệ sinh phòng học để các em học sinh có thể sớm trở lại trường”.
Theo Trung tá Võ Văn Giáp, Ban CHQS huyện Lăk có nhiều cán bộ, nhân viên có gia đình, nhà cửa nằm trong khu vực trũng thấp, bị ngập sâu. Trước khi bão đổ bộ, đơn vị tạo điều kiện cho anh em được nghỉ một buổi để về nhà chằng chống nhà cửa, kê đặt đồ đạc, tài sản, đưa vợ con đi tránh trú. Chính vì vậy khi nước lũ dâng cao, các anh vẫn hăng hái xung phong lên đường hỗ trợ người dân. "Sau khi nước rút, chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng xuống các thôn, buôn giúp bà con khắc phục hậu quả, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, tổng dọn vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh và thăm hỏi, động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn", Trung tá Võ Văn Giáp cho biết.
Theo qdnd.vn