Ảnh: minh họa |
Theo ước tính của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), trong năm 2020 thiên tai đã gây thiệt hại trên 37.400 tỷ đồng. Đó là chưa tính hết nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân đã bị phá hủy.
Khốc liệt, cực đoan
Nói đến thiên tai năm 2020 không ai có thể quên những hình ảnh Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên – Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) của tỉnh Quảng Nam… chìm trong bùn đất gây ám ảnh suốt thời gian qua. Hàng trăm người dân và các chiến sỹ đã vĩnh viễn ra đi, nhiều người còn không thể tìm ra thi thể.
Thiên tai ập đến nặng nề và dồn dập, chỉ vẻn vẹn hơn 1 tháng ( từ cuối tháng 9 đến tháng 10/2020) tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên đã hứng chịu đến 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới gây ra mưa đặc biệt lớn, lũ lịch sử. Cao điểm vào thời gian ngày 12/10/2020 và 19/10/2020 có trên 317 nghìn hộ (với 1,2 triệu nhận khẩu) bị ngập lụt tại 7 tỉnh, từ Nghệ An vào đến Quảng Nam và kéo dài (nơi dài nhất 15 ngày). Trong đó, Quảng Bình là tỉnh bị ngập lớn nhất với trên 109 nghìn hộ (437 nghìn nhân khẩu), có nơi ngập sâu 2 – 3m (tại các huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh). Đến gần cuối tháng 10/2020 cơn bão số 9 đi đổ bộ vào đất liền vào trưa ngày 28/10 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua và đổ bộ ngay sau khi khu vực miền Trung vừa bị tổn thương rất nặng nề do mưa bão và lũ lụt trước đó.
Thiên tai dù đi qua nhưng hệ lụy để lại thì rất lớn. Cơ sở hạ tầng để sản xuất và sinh hoạt cho người dân bị phá hủy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân vùng thiên tai, nhiều nơi gần như mất kế sinh nhai và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ NN&PTNT, xu hướng của thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay sẽ ngày càng cực đoan và khó đoán định. Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu các cơ sở chuyên sâu nghiên cứu về các vấn đề thiên tai và hình thái thiên thai để có thể đưa ra dự đoán sát thực hơn trong công tác PCTT.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) – Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT nhìn nhận: Thời gian qua đã có thay đổi lớn trong thông tin và chỉ đạo điều hành PCTT từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Tuy nhiên, thiếu thốn về cơ sở vật chất vẫn luôn bủa vây công tác PCTT nên khó có thể xử lý được nhiều tình huống dù nắm chắc được thông tin. “Hình ảnh rõ nét nhất trong cơn bão số 9 năm 2020, khi có 3 tàu gặp nạn ngoài biển, trực tiếp lãnh đạo Cục PCTT đã tìm mọi cách để liên hệ và nói chuyện được với các chủ tàu để trực tiếp nắm bắt tình hình bão trên biển. Nhưng rất tiếc, do điều kiện quá khó khăn không thể tiếp cận để cứu hết được các tàu nên đã có hai tàu bị thiệt hại về người”, ông Hoài ngậm ngùi nhớ lại.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chồng thiên tai - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hạ tầng và chính sách cần bắt kịp thực tế
Theo lãnh đạo Tổng cục PCTT (Bộ NN&PTNT), dù hạ tầng thủy lợi thời gian qua đã được quan tâm và đầu tư rất lớn và đã phát huy hiệu quả. Nhưng những phép thử thực tế chính là những đợt bão lũ vừa qua cho thấy nhiều nơi các công trình không còn đáp ứng được với những khốc liệt của thiên tai.
Một vấn đề nữa được ông Trần Quang Hoài chỉ ra đó là sự nhận thức và quan tâm của các địa phương về công tác PCTT không đồng đều nhau. Minh chứng rất rõ ràng nhất là việc đưa nội dung PCTT vào quy hoạch mỗi địa phương cũng rất khác nhau.
“Một trong những nguyên tắc lồng ghép trong quy hoạch của các địa phương là ưu tiên các công trình đa mục tiêu, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, hướng tới phát triển bền vững và đối tượng dễ bị tổn thương trong lồng ghép nội dung PCTT. Tuy nhiên, nhiều địa phương không chú trọng việc này. Trong khi khả năng chống chịu của nhiều công trình PCTT tai còn hạn chế thì hiện còn nhiều công trình được phê duyệt dù làm gia tăng rủi ro thiên tai như: Bố trí dân cư vào vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét; xây dựng công trình giao thông chưa phù hợp cản lũ; xây dựng, công trình không tính đến an toàn cho dân cư…”, ông Hoài cho biết.
Ông Hoài cũng bày tỏ những suy nghĩ về chính sách để tái thiết sau thiên tai hiện vẫn còn nhiều hạn chế. “Tại Philippines khi người dân được đưa vào nơi tránh trú mỗi gia đình nều có những ô riêng, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, còn chúng ta vẫn chỉ có những khu rộng như các trung tâm thể dục thể thao địa phương… là để người dân tránh trú”.
Không chỉ trên thế giới, ngay trong khu vực ASEAN cũng có nhiều nước đã dành riêng những khoản kinh phí tái thiết khẩn cấp sau thiên tai. Đồng bộ với chính sách là có những đơn vị tư vấn và nhà thầu chuyên nghiệp về thiên tai để xử lý rất sớm công tác khắc phục, điều này cũng tránh được thiệt hại phát sinh, kéo dài sau thiên tai.
Theo ông Hoài nhìn nhận: “Nguồn kinh phí chủ yếu đang dựa vào ngân sách Nhà nước, chưa thực hiện được bảo hiểm rủi ro thiên tai. Việc tiếp nhận hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của xã hội, các tổ chức quốc tế còn nhiều bất cập, đang là những khó khăn lớn của quá trình khắc phục, tái thiết sau thiên tai. Chúng ta cần có những chính sách để tháo gỡ được bất cập này mới có thể nhanh chóng đáp ứng phần nào việc hạn chế tối đa thiệt hại với tốc độ biến đổi mạnh mẽ của thiên tai hiện nay”.
Theo BaoChinhphu.vn