Khẩn trương khắc phục đoạn đường bị nước cuốn trôi trên quốc lộ 29 thuộc địa phận xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Ảnh: TRÌNH KẾ
Theo thống kê chưa đầy đủ, đợt lũ trong ba ngày qua làm chết và mất tích 10 người (Phú Yên 7 người và Bình Định 3 người). Hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập nước, nhiều nhà bị sập hoàn toàn. Riêng tại Phú Yên hơn 53.000 ngôi nhà và Bình Định 31.387 nhà bị ngập, hư hỏng tài sản. Giao thông, thủy lợi, hoa màu qua cơn lũ cũng bị thiệt hại nhiều, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Ngày 1/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại tỉnh Phú Yên. Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá: Mưa lũ tại tỉnh Phú Yên những ngày qua là rất lớn gây ngập hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên chính quyền địa phương đã triển khai rất tốt việc di dời người dân đến nơi an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Cũng theo đánh giá chung, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai với phương châm “bốn tại chỗ”, đã hạn chế được tổn thất về người khi những cơn lũ đổ về bất ngờ. Công tác cứu hộ được các tỉnh miền trung triển khai kịp thời trước, trong và sau lũ.
Tại Phú Yên, sáng sớm ngày 1/12, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ sử dụng hai xuồng chuyên dụng vượt lũ cứu hộ thành công sáu người dân chăn thả gia súc bị mắc kẹt trên các cồn cát giữa lòng sông Ba. Bà Phan Thị Hương, 58 tuổi, thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa cho biết, bà bị mắc kẹt giữa lòng sông Ba hai ngày qua, hôm nay được bộ đội ứng cứu đưa về nhà ở an toàn. “Chúng tôi đã chăn thả ở đây 5 năm nhưng chưa thấy năm nào nước lũ dâng cao, chảy xiết như mấy ngày qua. Được lực lượng cứu hộ đưa về nhà tôi rất mừng và cảm ơn”- bà Hương bày tỏ.
Trước đó, tại tỉnh Gia Lai trong ngày 30/11, các lực lượng vũ trang (quân sự, công an, biên phòng) đã cử 450 cán bộ chiến sĩ, 20 phương tiện cứu hộ cứu nạn triển khai ứng trực, giúp dân tại các vùng xung yếu. Lực lượng này phối hợp với chính quyền địa phương di dời, sơ tán hơn 5.500 hộ với hơn 18.530 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đồng thời nỗ lực tiếp cận giải cứu 14 người dân mắc kẹt do nhà bị ngập tại tổ 9 (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa).
Tại huyện Krông Pa, mưa lớn cũng đã làm chín người dân trồng dưa, là người lao động từ Bình Định lên thuê đất để trồng dưa hấu bị mắc kẹt tại khu vực rẫy thuộc buôn Chư Krih (xã Chư Drăng), tám người dân vào khu sản xuất bị mắc kẹt tại khu vực ven sông Ba thuộc xã Chư Gu. Đồng chí Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết: Nhận được tin báo, ngay trong đêm 29 và rạng sáng 30/11, lực lượng cứu hộ sử dụng các phương tiện tiếp cận hiện trường và đã cứu được 15 người dân mắc kẹt tại khu vực bãi bồi trên sông Ba thuộc xã Chư Gu. Huyện đang tiếp tục triển khai nhiều phương án để di dời tài sản của các hộ dân này, hạn chế thiệt hại đồng thời, chỉ đạo các xã nằm dọc sông Ba tiến hành rà soát, kiểm tra những khu vực ngập lụt, nguy cơ ngập lụt để tiến hành sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, sáng 30/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định chỉ đạo các đồn biên phòng huy động hơn 40 cán bộ, chiến sĩ và hai ca-nô phối hợp với lực lượng của Đoàn Thanh niên, Quân sự, Công an và dân quân trên địa bàn các xã bị cô lập, tổ chức di dời, cấp phát lương thực, thực phẩm cho hơn 60 hộ dân tại thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiến hành rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” đề phòng ngập lụt và khi lũ chia cắt…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) Nguyễn Hồng Vương cho biết, sáng 1/12, tại xã Trà Giác đã xảy ra sạt lở tại một quả đồi khiến hơn 10.000 m3 đất đá tràn lấp quốc lộ 40B. Tuyến đường lên ba xã vùng cao: Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka của huyện Bắc Trà My và lên huyện Nam Trà My hoàn toàn bị chia cắt. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam đã điều động lực lượng và phương tiện cơ giới đến hiện trường để xúc, vận chuyển đất đá để thông tuyến trở lại cuối giờ chiều 1/12.
Còn tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại huyện Nam Trà My vừa được khắc phục sau các trận mưa trước nay bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Chủ tịch UBND xã Trà Cang Ngô Tấn Lạc cho biết, khoảng 16 giờ 30/11, một quả đồi bất ngờ sập đổ xuống đường giao thông dẫn vào làng Tắc Pét-Măng Tông, thuộc thôn 5, xã Trà Cang, gây ách tắc giao thông. Tại khu vực quả đồi đổ ập xuống đường, phía trước là khoảng ruộng, cạnh đó có một nhà dân. Rất may, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Tranh thủ trời vừa ngớt mưa, từ sáng sớm, 70 hộ dân ở thôn 5 (xã Trà Cang) mang theo cuốc, xẻng, xà-beng ra vị trí sạt lở đất để cào, xúc lượng đất đá, cây cối từ trên quả đồi sập xuống lấp đoạn đường để các em học sinh và người dân đi lại thuận lợi, an toàn hơn.
Tại Quảng Ngãi, những ngày qua, triều cường gây sóng lớn làm sạt lở nghiêm trọng bờ biển phía đông thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), với chiều dài hơn 200 m, xâm thực sâu vào đất liền hơn 50 m, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của người dân sống trong khu vực. Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, Phạm Thị Công, để hạn chế tình trạng sạt lở do triều cường gây ra, chính quyền địa phương đã huy động người dân phối hợp cùng lực lượng bộ đội biên phòng gồm 20 cán bộ, chiến sĩ làm kè tạm bằng cọc gỗ, đổ đá và bao cát ngăn chắn sóng, bảo vệ nơi ở cho nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ còn gây sạt lở núi, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân. Cụ thể, tại cụm xã Long Môn, huyện miền núi Minh Long tiếp tục bị sạt lở, ảnh hưởng đến 24 hộ dân và hai trường học. Tại xã Ba Nam, huyện miền núi Ba Tơ, mưa lũ gây ra 10 điểm sạt lở mới và hơn 1 km đường liên thôn bị hư hỏng nặng, khiến 80 hộ dân có nguy cơ bị cô lập. Nghiêm trọng nhất, tại khu vực xóm Nước Loan, thôn Xà Râu (xã Ba Nam) lũ quét gây sạt lở đất, cuốn cây cối, đất sản xuất, uy hiếp bốn ngôi nhà dân. Chủ tịch UBND xã Ba Nam, Phạm Văn Đin cho biết, trước mắt chính quyền địa phương huy động các lực lượng tạm thời di dời tài sản, tổ chức cho người dân vùng nguy cơ sạt lở núi đến ở xen ghép với bà con nằm trong khu vực an toàn.
NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG
Ngày 1/12, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ miền trung. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở; sơ tán người dân khu vực ngập lụt đến nơi an toàn; hướng dẫn phân luồng giao thông các khu vực ngập lụt và chỉ đạo vận hành các hồ chứa để giảm lũ cho hạ du. Các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục, bảo đảm giao thông; kiểm tra và triển khai các biện pháp an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, các hồ chứa đã đầy nước; chủ động vận hành liên hồ chứa, hồ chứa dành dung tích đón lũ để bảo đảm an toàn công trình và hạ du...
Nguồn: nhandan.vn