Đồng bằng sông Cửu Long: Linh hoạt, chủ động ứng phó hạn, mặn

Đăng ngày: 06-03-2023 | Lượt xem: 1301
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào cao điểm của hạn hán và xâm nhập mặn. Mặc dù ngành chức năng dự báo hạn, mặn năm nay diễn biến bất thường nhưng nhờ linh hoạt thích nghi và chủ động ứng phó nên hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu không còn là nỗi lo của bà con trong vùng. Ngay khi hạn, mặn gay gắt người dân vẫn không lo về nguồn nước ngọt sinh hoạt, từ mảnh vườn đến thửa ruộng đều tràn ngập tiếng cười bởi mùa vàng bội thu.

Lúa đông xuân thắng lớn

Mấy ngày qua, trên những cánh đồng xuống giống sớm vụ lúa đông xuân ngoài đê bao ngăn mặn Long Mỹ-Vị Thanh thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nhộn nhịp hẳn lên khi nông dân tập trung ra đồng thu hoạch lúa. Vừa cân bán lúa cho thương lái và nhận tiền tại ruộng, ông Đỗ Văn Út phấn khởi cho biết: “Mọi năm, giống lúa lùn Bến Tre chỉ đạt năng suất 800kg/công (1.000m2) thì năm nay tăng lên 900-1.000kg/công. Vui hơn là thương lái thu mua lúa với giá từ 7.100-7.200 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 300-500 đồng/kg”.

Còn tại huyện Long Phú (Sóc Trăng)-địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, hình ảnh trước mắt chúng tôi là những nụ cười tươi trên cánh đồng lúa chín vàng bội thu và không khí rộn ràng mùa vụ. Những chiếc máy gặt đập liên hợp đang hoạt động rền vang. Quan sát nhân công thu hoạch lúa gương mặt lão nông Dương Thanh Tùng không giấu được niềm vui bởi vụ đông xuân đạt sản lượng lên tới 8 tấn/ha, giá bán 7.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng, xem như nông dân được mùa “kép”. “Năm nay, nhờ xuống giống né mặn nên giờ này gặt xong, lúa không bị thiệt hại mà vừa tăng năng suất, lại bán được giá”, ông Tùng phấn khởi cho biết.

Không riêng Hậu Giang hay Sóc Trăng, ở nhiều địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, nếu trước đây nông dân luôn “xé rào” làm lúa vụ 3 dẫn đến thiệt hại thì năm nay hoa màu đã phủ xuống ruộng hoặc phơi đất. Những vùng có thể gieo sạ lúa, nông dân cũng chủ động kiểm tra nguồn nước, tuân thủ lịch thời vụ. Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, hai năm nay địa phương không còn phải đau đầu vì chuyện “xé rào” của bà con. “Cùng với tuân thủ lịch thời vụ bà con còn chú trọng chất lượng giống lúa. Trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, các loại giống chất lượng cao chiếm hơn 95%. Với những giống lúa mới được đưa vào gieo cấy, ngoài thời gian sinh trưởng ngắn còn có khả năng thích ứng tốt với hạn, mặn. Đến nay, tỉnh đã thu hoạch 7.000ha lúa đông xuân, năng suất bình quân 68-70 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 48.000 tấn lúa”, ông Nam thông tin.

Hệ thống lọc nước mặn phục vụ cho sinh hoạt đời sống người dân ở Giồng Trôm (Bến Tre).

Hệ thống lọc nước mặn phục vụ cho sinh hoạt đời sống người dân ở Giồng Trôm (Bến Tre).

Không lo thiếu nước

Rời đồng lúa chúng tôi tìm về những vườn cây ăn trái ở các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Thời điểm này những năm trước, nhiều nông dân vất vả xếp hàng chờ mua từng thùng nước ngọt hay cây ăn trái chết khô, vàng úa vì hạn, mặn thì nay màu xanh đang phủ đầy trên các mảnh vườn; nước ngọt cũng chứa đầy ao, rạch.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng rộng hơn 1ha, ông Huỳnh Văn Sĩ, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, nằm giữa sông Tiền, cù lao Ngũ Hiệp là nơi có gần 100% diện tích đất nông nghiệp trồng cây sầu riêng chuyên canh. Ngoài áp lực nước mặn từ sông Tiền dâng cao, địa phương còn bị đe dọa nguồn nước mặn từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre) tràn qua. “Sầu riêng là cây trồng rất nhạy cảm với nước mặn, chỉ cần độ mặn 0,5% là cây bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thậm chí chết. Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, để bảo vệ vườn cây, tôi mạnh dạn để ra hơn 1.000m2 đất trong khu vườn để trữ nước tưới cho mùa khô năm nay. Với 5.000m2 nước mưa, tôi có thể tưới được khoảng 4 tháng trong mùa khô năm nay”, ông Sĩ cho hay.

Ngoài đào ao trữ nước, các nhà vườn còn cài đặt app theo dõi độ mặn trên điện thoại thông minh. Thông qua app, ngành chức năng kịp thời vận hành cống ngăn mặn, bà con cũng dễ dàng theo dõi được độ mặn để kịp thời bơm nước vào trữ. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) chia sẻ: “Đợt hạn, mặn năm trước khiến 8.500ha vườn cây ăn trái của huyện bị ảnh hưởng, trong đó có 2.300ha thiệt hại hoàn toàn. Năm nay, mọi việc ứng phó được chủ động rất sớm từ nạo vét kênh, mương, đầu tư tấm bạt, túi nhựa trữ nước ngọt... Ngành nông nghiệp còn cùng người dân chuyển đổi sản xuất phù hợp, như hạn chế cho cây ra trái vào mùa hạn, mặn, sản xuất cây giống loại ngắn ngày... nhằm thích ứng với điều kiện hạn, mặn...”.

Phát huy các công trình ngăn mặn

Cùng với sự chủ động thích nghi của người dân, việc đưa vào vận hành các công trình, dự án thủy lợi đã góp phần tăng hiệu quả phòng, chống mặn. Điển hình như huyện Vũng Liêm là địa phương ở Vĩnh Long thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong mùa khô. Thời điểm trước Tết, mặn bất ngờ xâm nhập với nồng độ 4,7 phần nghìn và độ mặn đo được ngày 3-3 là 5 phần nghìn, tuy nhiên nhờ hệ thống đê bao khép kín khoảng 1.222ha sầu riêng, chưa ghi nhận nhà vườn nào bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập...

Tại Bến Tre, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đưa vào sử dụng giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai; sống Sa Kê góp phần ngăn mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc; đồng thời cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước phục vụ hơn 20.000 hộ dân ở hai huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc khi nguồn nước trên sông Mỏ Cày bị nhiễm mặn...

Tương tự năm 2022, người dân ĐBSCL nói chung, 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng nói riêng vui mừng khi siêu dự án Cái Bé-Cái Lớn đưa vào vận hành. Qua thực tế hoạt động, dự án đã mang lại hiệu quả rất lớn giúp sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra ngày càng khốc liệt và giảm chi phí so với trước đây do không phải đắp đập tạm. Là một trong những địa phương hưởng lợi từ siêu cống thủy lợi, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Vào mùa khô hàng năm, mặn xâm nhập sâu 10-20km từ hướng sông Cái Lớn. Mỗi mùa khô, tỉnh phải đắp gần 100 đập tạm. Tuy nhiên, từ mùa khô năm 2022 đến nay, nhờ hệ thống cống Cái Lớn-Cái Bé vận hành đã giúp kiểm soát nước mặn xâm nhập vào địa bàn. Nhờ đó, hàng nghìn hộ dân trong vùng an tâm sản xuất”.

Công trình cống ngăn mặn trữ ngọt ở Giồng Trôm (Bến Tre) vận hành giúp người dân ứng phó với hạn, mặn.

Công trình cống ngăn mặn trữ ngọt ở Giồng Trôm (Bến Tre) vận hành giúp người dân ứng phó với hạn, mặn.

Các công trình đưa vào sử dụng còn giúp giải quyết bài toán xung đột mặn-ngọt diễn ra trong vùng ĐBSCL nhiều năm qua. Minh chứng là hai vùng Bạc Liêu và Sóc Trăng, theo ông Nguyễn Kỳ Phong, cán bộ Trung tâm Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi Bạc Liêu cho biết, những năm trước đây, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với vùng giáp ranh hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu là rất mạnh, thậm chí có năm, nước mặn còn xâm nhập mặn cả hàng chục cây số vào trong nội đồng của thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng). “Khi cống ngăn mặn âu thuyền Ninh Quới (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) bắt đầu được vận hành thì độ mặn đã được kiểm soát. Độ mặn không còn xâm nhập sâu và làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân tại vùng giáp ranh của hai tỉnh. Quan trọng hơn là câu chuyện “xung đột” mặn-ngọt giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng đã được giải quyết một cách hài hòa, hiệu quả, giúp cư dân ở hai tỉnh đều có hướng đi trong phát triển kinh tế, gắn với thực tế sản xuất của địa phương mình”, ông Phong nói.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-linh-hoat-chu-dong-ung-pho-han-man-720811

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: