Theo đó, tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Kế Sách, cụ thể là tại bờ sông Rạch Phụng An từ UBND xã An Mỹ đến Cầu Sập (trong đó có đoạn sạt lở dài hơn 200m trước UBND xã An Mỹ); tại các cồn trên sông Hậu, như khu vực cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ); cồn An Tấn, An Công (xã An Lạc Tây).
UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và khắc phục khẩn cấp sạt lở để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời.
Ngoài ra, UBND huyện Kế Sách có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông nguy hiểm. Tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông, khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở; vận động nhân dân di dời đến nơi ở khác... Khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra…
Các điểm sạt lở trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng). |
Trước đó, vào cuối tháng 4, tại huyện Kế Sách xảy ra một vụ sạt lở bờ sông tại ấp Phụng An (xã An Mỹ). Đoạn sạt lở có chiều dài trên 40m, ăn sâu vào đất liền khoảng 10m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đoạn đê sông kết hợp với đường giao thông nông thôn.
Ông Lê Hoàng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kế Sách cho biết, tình hình sạt lở bờ sông, bờ kênh, đường giao thông, nhà cửa trên địa bàn huyện xảy ra ngày càng nhiều, nhất là khi có tác động mạnh của bão lũ, triều cường. Sạt lở gây hư hỏng các công trình kết cấu hạ tầng, các khu vực nhà sàn ở cặp bờ sông, làm mất đất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Được biết, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm huyện Kế Sách bị sạt lở chiều dài 2km, sạt sâu vào lộ bê tông, vườn cây ăn trái từ 3-10m, diện tích đất bị sạt khoảng 1 ha/năm. Riêng từ đầu năm đến nay, có 13 đoạn sạt lở bờ bao, lộ giao thông nông thôn, tổng chiều dài 525m; 15 đoạn sạt lở đê cồn, tổng chiều dài 714m, ước tổng thiệt hại trên 7 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, Huỳnh Ngọc Nhã, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt nên việc sạt lở sẽ vẫn tiếp tục xảy ra đối với các địa phương ven sông, ven biển, nhất là trong các tháng mùa mưa. Vì vậy, trước mắt các địa phương nên sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai của địa phương khắc phục các điểm sạt lở nhỏ để đảm bảo việc đi lại, sản xuất của người dân. Riêng các điểm sạt lở lớn cần nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch cũng như phối hợp UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh triển khai các phương án khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất.
Tại An Giang, UBND tỉnh này đã thống nhất phương án khắc phục sạt lở tại Km22 đường tỉnh 946 (huyện Chợ Mới), cho phép Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh triển khai ngay công tác khắc phục sạt lở theo quy định về công trình khẩn cấp. Phương án khắc phục sạt lở là gia cố, xếp rọ đá, thả bao tải cát lấp hố xoáy và thảm đá mái ta-luy dày 30cm. Dự kiến, tổng kinh phí khắc phục khoảng 3 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí dự phòng và kinh phí khắc phục thiên tai của tỉnh.
UBND tỉnh An Giang giao Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương tham mưu UBND tỉnh quyết định ban bố tình huống khẩn theo quy định. Trước đó, lúc 7h ngày 20-5, tại ấp Long Hòa, xã Long Điền B (huyện Chợ Mới) xảy ra vụ sạt lở mặt đường tỉnh 946. Mặt đường đã sụt xuống kênh sâu vào mặt đường hơn 4m (hơn 1/2 mặt đường) với chiều dài hơn 40m và có nguy cơ lan rộng làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết, ngày 22-5, tại xã Nhơn Ái xảy ra vụ sạt lở bờ sông làm nhiều tài sản, nhà cửa của người dân bị sụp đổ xuống sông. Vụ sạt lở xảy ra dọc bờ sông Phong Điền, thuộc ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Ái với chiều dài trên 50m, làm sụp đổ xuống sông phần nhà phía sau, hàng rào, nhà tiền chế… của nhiều hộ dân tại khu vực.
Theo người dân địa phương, lúc bà con đang sinh hoạt trong nhà, nghe tiếng kêu răng rắc từ nhà sau và bờ rào nên nhanh chóng chạy thoát. Ngay sau đó, phần nhà phía sau, nhà tiền chế, nhà sàn và hàng rào... bị đổ xuống sông. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản trên 220 triệu đồng.
Sau khi xảy ra sạt lở, lãnh đạo huyện Phong Điền huy động lực lượng Công an, Dân quân tự vệ… giúp người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở, khu vực có dấu hiệu rạn nứt. UBND huyện Phong Điền yêu cầu Phòng NN&PTNT phối hợp cùng các ngành có liên quan, chính quyền địa phương khảo sát, thực hiện các biện pháp khắc phục sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân. Khẩn trương tham mưu UBND huyện hỗ trợ chi phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở khắc phục hậu quả theo quy định…
Theo Báo Công an Nhân dân