Ảnh minh họa |
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị trên địa bàn thành phố: Tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; nội dung, chương trình, kế hoạch, đặc biệt kỹ năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tình huống cháy nổ; tăng cường phổ biến kiến thức về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình mình và tích cực tham gia cùng với cộng đồng phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Đi đôi với tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT&TKCN của đơn vị mình, đảm bảo sát thực tế, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả các sự cố, thiên tai; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Tổ chức diễn tập về PCTT&TKCN.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá lại số lượng, chất lượng và mua sắm bổ sung các trang thiết bị đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công tác PCTT&TKCN, các công trình phòng chống thiên tai để tu sửa, sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, hư hại, đặc biệt là hệ thống đê, kè, hồ đập, các công trình tiêu úng trọng điểm, sẵn sàng đối phó tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2019; công trình phải hoàn thành trước mùa mưa bão, đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với từng công trình trong mùa mưa bão năm 2019.
Với trách nhiệm của mình, Sở NN&PTNT phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý ngay các sự cố sạt lở, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi; chỉ đạo nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tiêu đang bị bồi lắng, ách tắc ảnh hưởng tiêu thoát nước, chống úng ngập; kịp thời đề xuất lắp đặt công trình bơm dã chiến, bảo đảm tiêu thoát nước nhanh; chỉ đạo khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất khi có mưa bão xảy ra.
Sở Xây dựng chủ trì công tác chống úng ngập nội thành; đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng, chống, khắc phục cây đổ trên các tuyến đường đô thị, đảm bảo an toàn điện chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập; phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà, công trình, kiểm tra, thống kê các khu nhà tập thể, nhà chung cư cao tầng đã xuống cấp, biển quảng cáo; các khu nhà ngoài đê, sát bờ sông, vùng trũng thấp không đảm bảo an toàn, các công trình đang xây dựng; triển khai việc phòng, chống đổ, sập nhà, công trình; tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không đảm bảo an toàn trước khi có thiên tai.
Các sở Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chuẩn bị đầy đủ, cứu trợ kịp thời tới nhân dân vùng bị thiên tai các nhu yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo sớm ổn định đời sống nhân dân; Các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai của đơn vị và chủ động phối hợp các địa phương chỉ đạo, thực hiện ứng phó kịp thời các sự cố, thiên tai, thảm họa.
Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra, thực hiện duy tu, bảo dưỡng các hệ thống điện, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố bảo đảm cung cấp điện đầy đủ, an toàn phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa mưa bão, ưu tiên cấp nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập.
Công ty Cây xanh Hà Nội chủ động kiểm tra, rà soát, thực hiện cắt tỉa, chằng chống cây xanh trên các tuyến phố, tuyến đường trục chính, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2019.
Theo phapluatxahoi.vn