Hà Nội: Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai 2019 sát với thực tế của địa phương

Đăng ngày: 14-04-2019 | Lượt xem: 1083
(TN&MT) - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ thị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 cụ thể, sát thực tế của địa phương.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019.

Theo Chỉ thị, biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn. Năm 2018, bão số 3, số 4 và ảnh hưởng của rìa phía bắc áp thấp nhiệt đới suy yếu, kết hợp đới gió đông trên cao hoạt động mạnh, từ ngày 14/7/2018 đến ngày 20/8/2018, khu vực Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề đến đời sống sản xuất của nhân dân một số xã giáp tỉnh Hòa Bình, thuộc các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai; trong đó, huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức phải tổ chức huy động lực lượng sơ tán nhân dân đến nơi an toàn.

ha noi chu dong phong chong thien tai
Ảnh minh họa

Năm 2019, theo cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo tiếp tục là năm có thời tiết diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại sự cố, thiên tai gây ra, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ thị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố: Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 cụ thể, sát thực tế của địa phương; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt mưa lớn, lốc xoáy, bão mạnh, siêu bão có thể gây ra ngập  úng, đổ cây (nhất là cây to, cây cổ thụ trong khu vực nội thành).

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai kịp thơi, phát hiện các hư hỏng, chủ động sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn công trình theo phân cấp. Rà soát, tổng hợp những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, trong đó các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mỹ Đức cần đặc biệt lưu ý lũ rừng ngang, chủ động di dời nhân dân trong trường hợp khẩn cấp đến nơi an toàn.

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng chống thiên tai trên địa bàn; diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục thực hiện Chiến lượng quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020, Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sử, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Triển khai công tác vệ sinh môi trường bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho nhân dân khi có thiên tai.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: