Hà Nội còn 12 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính

Đăng ngày: 16-06-2020 | Lượt xem: 1379
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, năm 2020, trên toàn địa bàn thành phố còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó, có 6 điểm chưa thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.

Chiều nay (16-6), tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về kết quả công tác quản lý duy trì thoát nước mùa mưa bão; các dự án khắc phục tình trạng úng ngập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội có diện tích 300km2; hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục được TP phê duyệt gồm: cống rãnh; kênh, mương; ga thu; hồ điều hoà; trạm bơm thoát nước mưa chính và nhà máy, trạm xử lý nước thải.

Về tình trạng úng ngập khu vực nội thành, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành – Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.

Dự báo tình hình úng ngập những tháng cuối năm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho hay, với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100mm/2h các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm úng ngập.

Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Để chủ động ứng phó với sự cố úng ngập trong mùa mưa 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có (hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020).

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm vơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải toả ách tắc giao thông khi có mưa lớn; Triển khai ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn được phân công.

Ngoài ra, để người dân có thể nắm bắt tình hình diễn biến các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng cũng đã nâng cấp phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh như: cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố.

Thông tin về công tác chỉnh trang đô thị, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa 2020, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2020 cắt sửa khoảng 40.000 – 50.000 cây xanh các loại trên 790 tuyến phố, 39 công viên, vườn hoa, 7 khu đô thị với tiêu chí cắt sửa hạ độ cao, vén tán, cắt hết các cành khô, cành sâu mục, cành xoà vào nhà dân đảm bảo kỹ, mỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy đổ trong mùa mưa bão.

Trong đó, ưu tiên cắt sửa những cây nghiêng nguy hiểm, nặng tán, hạ độ cao các lại cây có đường kính lớn, những cây có cành vươn, cành khô, vướng đèn chiếu sáng, tín hiệu giao thông, gỡ dây tơ hồng; chặt hạ sâu mục, cây chết khô nguy hiểm xong trước mùa mưa bão.

Cũng theo ông Hoàng Cao Thắng, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty TNHH Một Thành viên Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, cắt tỉa tán, nâng cao vòm lá, không chế chiều cao cây bóng mát và thực hiện gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng đối với hệ thống cây xanh 12 quận nội thành.

Với hệ thống cây xanh khu vực ngoại thành, Sở Xây dựng đã đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý, duy trì cây bóng mát, rà soát, kịp thời chặt hạ cây sâu mục, cắt sửa cây có cành ảnh hưởng đến giao thông.

Để chủ động trong trường hợp mưa bão xảy ra, Sở Xây dựng đã lập phương án ứng phó với một số tình huống thiên tại úng ngập nội thành, khắc phục sự cố cây gẫy, đổ trong mùa mưa bão trên địa bàn thành phố năm 2020.

Cụ thể, khi nhận được thông tin, cán bộ trực của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công ty được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu, duy trì cây xanh cần ghi chép đẩy đủ, phản ánh tình trạng cây gẫy đổ, đường kính, chủng loại, địa điểm nơi cây đổ, gẫy cành theo từng địa bàn để xử lý kịp thời, chuẩn xác.

Đặc biệt, các đơn vị liên quan sẽ huy động 100% quân số, thực hiện giải tỏa 24/24 giờ /ngày khi có cây gãy, đổ. Trong đó, các đơn vị chức năng sẽ ưu tiên xử lý các cây đổ nguy hiểm đe dọa đến tài sản, tính mạng nhân dân, xử lý các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính, thu dọn cây đổ, cắt cành cây, đánh gốc, san lấp, đảm bảo vệ sinh... đảm bảo giao thông nhanh nhất và trồng cây thay thế sau 10 ngày.

Theo anninhthudo.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: