Hoàn lưu áp thấp gây mưa lớn khắp miền Trung, cảnh báo gió mạnh toàn tuyến biển

Đăng ngày: 03-09-2019 | Lượt xem: 988
Về ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng ngày 3/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, khoảng 3- 4 giờ sáng nay, ATNĐ đã đi vào dất liền Quảng Trị -Thừa Thiên Huế với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Khu vực Hà Tĩnh, Huế đã có mưa rất to với lượng 150 – 200mm/3 giờ và dự báo, đây vẫn là trọng tâm mưa lớn trong những ngày tới.

Theo dự báo, lượng mưa trong 24 giờ (7 giờ ngày 3/9 – 7 giờ ngày 4/9) ở các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 40 – 90mm; từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa phổ biến 100 – 250mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo cho cả đợt mưa từ ngày 3 -6/9, từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa phổ biến 300 – 500mm, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế từ 500 – 700mm, Tây Nguyên có mưa phổ biến 200 – 300mm và Nam Bộ là 100 – 150mm.

anh 2
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phát biểu tại cuộc họp 

Theo ông Khiêm, tổng hợp từ dự báo quốc tế và tính toán của cơ quan dự báo Việt Nam cho thấy, cơn áp thấp nhiệt đới trên đất liền có thể không di chuyển trong khoảng 6 tiếng rồi vòng trở ra biển, ngược lên hướng Đông Đông Bắc và được nạp thêm năng lượng, kết hợp cùng cơn ATNĐ thứ hai hiện đang ở giữa biển Đông và trở thành bão, đi vào khu vực Hồng Kông (Trung Quốc).

Do tác động của 2 cơn ATNĐ, trong ngày và đêm nay 3/9, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông là phía Bắc vĩ tuyến 13 độ Vĩ Bắc. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.


Thông tin thêm về 2 cơn áp thấp, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, do ngoài vùng biển Phillipine đang có một cơn bão nên 2 cơn AT cộng với bão số 4 vừa đi qua nên 2 cơn áp thấp trên biển Đông không có điều kiện mạnh hơn. Khả năng áp thấp mạnh lên thành bão vẫn có thể xảy ra khi 2 cơn kết hợp với nhau nhưng khi đó, bão/áp thấp đã di chuyển đến gần đảo Hải Nam (Trung Quốc). Yếu tố nguy hiểm ở đây là gió xoáy đổi hướng do hai cơn áp thấp tương tác trên vùng nguy hiểm phía Bắc, dù gió cấp 6. Vùng biển phía Nam và ven bờ quần đảo Trường Sa, gió có lúc cấp 8 nhưng đây là gió Tây Nam một chiều nên tính chất nguy hiểm không bằng.
 

anh 1 4
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) phân tích về 2 cơn ATNĐ 

Ông Cường nhấn mạnh, trọng điểm các địa phương cần quan tâm là mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp đến các tỉnh miền Trung. Một số sông có độ dốc lớn nên lưu lượng thượng nguồn cao, lũ có thể lên nhanh nên tàu thuyền neo đậu vùng cửa sông cần hết sức đề phòng.

Từ ngày 3 - 6/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức BĐ2-BĐ3, vùng thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ lên trên mức BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi dao động trên dưới mức BĐ1.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, hầu hết các hồ chứa trong vùng ảnh hưởng đều đang ở mực nước trung bình và thấp. Tuy vậy, với lượng mưa cả đợt lớn như dự báo thì một số hồ chứa nhỏ có thể đầy và tràn. Vì vậy, cần hết sức chú ý những hồ xung yếu và đang sửa chữa, chủ động hạ thấp mức nước và có phương án xử lý ngay nếu có sự cố.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó trưởng BCĐ TƯ về PCTT đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi sát diễn biến và sự tương tác của các hình thái thời tiết trong khu vực để kịp thời cảnh báo trong thời gian tới. Đặc biệt, phạm vi nguy hiểm trên tuyến biển rất rộng, không chỉ vùng nguy hiểm từ 13 độ vỹ Bắc trở ra mà vùng biển phía Nam cũng có gió mạnh, nhiều tàu thuyền vẫn còn đang hoạt động trong khi diễn biến 2 cơn AT và bão ngoài khơi Phillipine vẫn có thể diễn biến khó lường.

Ông Cường yêu cầu các cơ quan quản lý theo sát và cảnh báo tình hình đảm bảo an toàn. Hoàn lưu gây mưa lớn cục bộ từ nay đến hết 6/9, từ Thanh Hòa trở vào Thừa Thiên - Huế khiến lũ lên nhanh, có khả năng lên báo động 3 nên phải hết sức cảnh báo, chống sạt lở, tai biến địa chất...

Đối với hồ đập toàn tuyến, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố. Đặc biệt lưu ý ba hồ lớn ở Thừa Thiên - Huế, nhất là hồ Tả Trạch và các hồ ở bắc Quảng Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các địa phương tập trung thu hoạch lúa hè thu toàn truyến Trung Bộ, ĐBSCL và lúa mùa sớm ở ĐBSCH; tiếp tục theo dõi ATNĐ và tình hình tàu thuyền, lồng bè, không để người dân quay lại lồng bè, chòi canh. Đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch trên trên các đảo...

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: